Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đánh giá phòng, chống tham nhũng của Quảng Bình

Thứ sáu, 15/12/2023 14:57
(ThanhtraVietNam) - Từ kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) những năm qua, yêu cầu đặt ra trong thời gian tới; đồng thời, thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Ban thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh về công tác PCTN, tiêu cực, UBND tỉnh Quảng Bình đã đề ra Kế hoạch thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đánh giá PCTN trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch số 2460/KH-UBND của UBND tỉnh Quảng Bình về thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đánh giá PCTN trên địa bàn tỉnh nhằm rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện các tiêu chí chấm điểm thông qua kết quả chấm điểm của Thanh tra Chính phủ hàng năm và kết quả tự chấm điểm của tỉnh. Từ đó, đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PCTN của tỉnh năm 2023 và các năm tiếp theo.

UBND tỉnh yêu cầu việc đánh giá phải khách quan, chỉ rõ điểm mạnh, điểm yếu trong việc thực hiện công tác PCTN thời gian qua, thông qua các tiêu chí chấm điểm theo bộ chỉ số của Thanh tra Chính phủ. Đồng thời, đưa ra các giải pháp khắc phục cụ thể, rõ ràng và phù hợp với thực tiễn; phân công rõ trách nhiệm thực hiện của các cá nhân, cơ quan, đơn vị, địa phương.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, hàng năm xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện và báo cáo đầy đủ các nội dung, gồm: Việc xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật về PCTN; việc kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật về PCTN; việc thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN; công tác kiểm tra, theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật về PCTN.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND các cấp, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chủ trì tiếp công dân định kỳ và đột xuất theo đúng quy định của của Luật Tiếp công dân năm 2013.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải công khai, minh bạch trong hoạt động về các nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; việc bố trí, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công hoặc kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác; công tác tổ chức cán bộ; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn…

Mặt khác, thường xuyên rà soát để sửa đổi, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, ban hành các định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Hàng năm, tiến hành tự kiểm tra trong nội bộ cơ quan, đơn vị để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm.

UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh, Sở Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ nhằm phát hiện các hành vi vi phạm. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hàng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải xây dựng, ban hành Kế hoạch, tiến hành rà soát, kiểm soát, xử lý kịp thời theo quy định tại Điều 23 Luật PCTN năm 2018 và quy định tại Mục 3 Chương IV Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ đối với các trường hợp xung đột lợi ích xảy ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công vụ.

Phải xây dựng, ban hành Kế hoạch và công khai Kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn theo thẩm quyền quản lý cán bộ. Trong đó, Kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác phải nêu rõ mục đích, yêu cầu, trường hợp cụ thể phải chuyển đổi vị trí công tác, thời gian thực hiện chuyển đổi, quyền, nghĩa vụ của người phải chuyển đổi vị trí công tác, biện pháp tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện để phục vụ cho việc đánh giá công tác PCTN hàng năm. Đi cùng với đó là kê khai, công khai và kiểm soát bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ phải kê khai; quản lý, cập nhật bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định.

Đặc biệt, tiếp tục duy trì các đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý các ý kiến phản ánh về tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý kịp thời những thông tin phản ánh của doanh nghiệp, nhà đầu tư về khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đối với việc phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức, khu vực ngoài Nhà nước, Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn cụ thể các doanh nghiệp, tổ chức, khu vực ngoài Nhà nước xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm tra, kiểm soát nội bộ; quy định về biện pháp công khai, minh bạch trong hoạt động; về kiểm soát xung đột lợi ích và chế độ trách nhiệm của người đứng đầu.

leftcenterrightdel
Hội nghị triển khai công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2023 của Tỉnh ủy Quảng Bình.(Ảnh minh họa - Internet) 

Phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng

Về nội dung này, UBND tỉnh yêu cầu nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, các hành vi tham nhũng nói riêng. Phân loại, theo dõi riêng đối với đơn thư, phản ánh có nội dung tố cáo liên quan đến tham nhũng ngay từ khâu tiếp nhận và quá trình giải quyết làm cơ sở để đánh giá, chấm điểm.

Quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát và giải quyết tố cáo tham nhũng, nếu phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, tham nhũng thì phải chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định. Không chờ đến khi kết thúc quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết tố cáo... mới chuyển hồ sơ vụ việc.

Sau khi có kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, nếu không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra chuyển nội dung kết luận vi phạm về tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức đến cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức để xem xét, xử lý kỷ luật hành chính đối với các cá nhân có sai phạm theo quy định. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật nếu kéo dài thời gian xem xét, xử lý, để hết thời hạn, thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định.

Các cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ phải xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đã để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Riêng đối với công tác thu hồi tiền, tài sản tham nhũng, phải triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Văn bản kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân, làm cơ sở để xử lý thu hồi.

Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ việc, vụ án tham nhũng, các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân và Thi hành án dân sự cần tích cực áp dụng biện pháp thu hồi tiền, tài sản tham nhũng trong từng khâu của quá trình xử lý, giải quyết vụ việc. Đảm bảo thu hồi triệt để tiền, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng.

UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng Kế hoạch chi tiết, đề ra các biện pháp cụ thể để nâng cao điểm số đánh giá công tác PCTN. Mặt khác, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu kết quả chấm điểm thuộc trách nhiệm cơ quan, đơn vị đạt thấp, làm ảnh hưởng đến điểm số và vị trí xếp hạng của tỉnh./.

Minh Nguyệt
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra