Bất động sản là lĩnh vực có nguy cơ cao bị lợi dụng để rửa tiền
Trên cơ sở rà soát từ thực tiễn quản lý, ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức và để bảo đảm rõ ràng, cùng với các trường hợp giao dịch đáng ngờ đã được quy định trong Luật hiện hành, dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) đã bổ sung một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, kinh doanh bất động sản, hoạt động trung gian thanh toán. Để dễ theo dõi các quy định xác định giao dịch đáng ngờ trong những lĩnh vực nêu trên, dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng tách các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản và dấu hiệu đáng ngờ trong từng lĩnh vực thành các điều riêng.
Cùng với ngân hàng, bất động sản là lĩnh vực có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền tấn công, vì đầu tư vào lĩnh vực này tương đối thuận lợi và thủ tục tham gia thị trường đơn giản. ĐBQH Thái Thị An Chung (Nghệ An) nêu rõ, việc thanh toán thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên có thể bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản nên rất khó kiểm tra, xác minh nguồn gốc của tiền. Qua đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy, các đối tượng phạm tội thường rửa tiền bằng cách nhờ người thân, gia đình mua, chuyển nhượng, tặng, cho bất động sản.
Với các lý do nêu trên, đại biểu Thái Thị An Chung khẳng định, việc quy định và thực thi các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là hết sức cần thiết, không chỉ để thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế mà còn góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện. Song, để góp phần hoàn thiện các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản, đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng báo cáo được quy định tại khoản 2 Điều 4 của dự thảo Luật là tổ chức đấu giá tài sản, vì đấu giá là hình thức mua bán tài sản phổ biến, nhiều năm gần đây, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra rất sôi động. Nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách ở địa phương, đòi hỏi phải giám sát chặt chẽ dòng tiền tham gia đấu giá.
Cũng theo đại biểu Thái Thị An Chung, cần bổ sung thêm các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản (Điều 33) bao gồm khách hàng thực hiện nhiều giao dịch trở lên trong một ngày, khách hàng mua bán nhiều bất động sản trở lên trong một lần. Bổ sung trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, rửa tiền, áp dụng cho các đối tượng báo cáo là đấu giá viên, tổ chức hành nghề, đấu giá thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống rửa tiền đối với các đối tượng này.
Các biện pháp phòng ngừa mới được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) được nhiều đại biểu kỳ vọng sẽ góp phần minh bạch hóa hơn các giao dịch trên thị trường bất động sản, nâng cao trách nhiệm của tổ chức kinh doanh, công chứng, luật sư trong công tác phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, cho rằng việc sửa đổi, bổ sung các quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền là chưa đầy đủ, ĐBQH Lã Thanh Tân (Hải Phòng) nhấn mạnh, cần tiếp tục nghiên cứu các quy định liên quan đến thủ tục giao dịch, phương thức giao dịch, thanh toán giao dịch bất động sản, việc kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu của các cơ quan quản lý về đất đai, xây dựng công chứng… tại các luật có liên quan (Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Công chứng).
Có điều chỉnh với giao dịch tiền ảo?
Đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) cũng là một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến, trong đó nhiều đại biểu đề nghị bổ sung một số đối tượng như: tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản ảo, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và cho vay dựa trên nền tảng công nghệ… Sự bổ sung này không chỉ để thực hiện các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) và một số tổ chức quốc tế khác, như ĐBQH Nguyễn Thị Thu Thủy (Bình Định) phân tích, trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển như hiện nay đang tạo ra nhiều cơ hội và kênh khác nhau để tội phạm rửa tiền lợi dụng rửa tiền không hợp pháp thành tiền hợp pháp. Đặc biệt, khi tiền ảo, tài sản số đã được một số quốc gia công nhận thì tại Việt Nam gần đây đã xuất hiện hình thức mua bán Bitcoin. "Do vậy, nếu không quy định cụ thể sẽ tạo kẽ hở cho tội phạm rửa tiền, chuyển tiền lợi dụng", đại biểu nhấn mạnh.
Tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số, tiền điện tử chưa được xác nhận về mặt pháp luật, song ĐBQH Hoàng Thị Đôi (Sơn La) nêu thực tế, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, sử dụng khoa học, công nghệ dữ liệu trên không gian mạng để thực hiện các thỏa thuận trao đổi giữa các cá nhân có xu hướng toàn cầu vượt qua các quy định về mặt tài chính, tiền tệ của các quốc gia và khu vực. Dù loại dữ liệu này chưa được pháp luật công nhận về mặt giá trị, nhưng không vì thế mà không tồn tại các giao dịch trao đổi, thỏa thuận có chức năng như một đồng tiền thực thụ. Xét về mặt kinh tế sẽ có tiền thật, tài sản thật đổ vào các loại tài nguyên này mà không có cách nào kiểm soát. Những đồng tiền ảo này không được kiểm soát nên đã gây mất tiền của một số người dân nước ta thời gian qua, khi vì lý do này hay lý do khác đầu tư vào loại tài nguyên này nhưng lại có sự sụp đổ đồng tiền ảo, trong đó không loại trừ yếu tố lừa đảo.
Tiền ảo, tiền điện tử và tiền kỹ thuật số không được pháp luật nước ta công nhận, nhưng thực tế hiện nay đang có một thị trường ngầm hoạt động rất sôi động và rất mạnh. Nhấn mạnh thực tế này, ĐBQH Nguyễn Hải Trung (TP. Hà Nội) cho biết, hiện nay Công an thành phố Hà Nội đang điều tra một vụ án về tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và rửa tiền, với số tiền ước tính có thể lên nhiều nghìn tỷ đồng. "Đối tượng chủ mưu, đối tượng cầm đầu, đối tượng tổ chức các hoạt động phạm tội này là người nước ngoài và thuê rất nhiều người các nước khác, trong đó có người Việt Nam. Trụ sở, địa điểm và tổ chức thực hiện hành vi phạm tội là ở nước ngoài và công cụ phương tiện, thiết bị phạm tội cũng ở nước ngoài, với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi. Sau khi nhận được tiền của người bị hại chúng chia nhỏ, gửi rất nhiều lần và đến rất nhiều tài khoản, sau đó chụm về một tài khoản, từ tài khoản đó quy đổi thành thành tiền ảo và từ đó rút ra tiền mặt. Qua các phương thức của các đối tượng phạm tội, phần lớn là tội lừa đảo đều thông qua tiền ảo để rửa tiền". Phân tích thủ đoạn của loại tội phạm này, đại biểu Nguyễn Hải Trung đề nghị, phải có quy định thích hợp để cấm, quản lý và xử lý đối với giao dịch tiền ảo này.
Giải trình ý kiến của các đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong quá trình xây dựng dự án Luật, ngay từ đầu, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đưa các hoạt động này vào dự thảo Luật, nhưng trong quá trình tham vấn ý kiến nhiều vòng thì các ý kiến cũng cho rằng vì các hoạt động này chưa được quy định trong các văn bản quy định pháp luật hiện hành, nên chưa cần đưa vào. Do vậy, trên cơ sở tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, dự thảo Luật điều chỉnh vấn đề này theo hướng giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Kinh nghiệm thế giới và diễn biến thực tế ở nước ta cho thấy, rửa tiền là một hành vi phạm tội dung dưỡng và cộng sinh với tội phạm tham nhũng, được biểu hiện dưới nhiều hình thức tinh vi, gây thiệt hại, làm mất ổn định và đe dọa sự lành mạnh kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc gia. Do vậy, sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền hiện hành được các đại biểu Quốc hội nhận định “là một dấu mốc quan trọng” để hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm thực hiện khuyến nghị của tổ chức quốc tế và góp phần quan trọng thực hiện công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước đang triển khai. Điều này cũng đòi hỏi cơ quan chức năng cần nỗ lực tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật ở mức cao nhất để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống, đấu tranh với các vi phạm pháp luật về tội phạm rửa tiền.