Hải Dương: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong công tác PCTN, tiêu cực

Thứ sáu, 12/01/2024 16:34
(ThanhtraVietNam) - Triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành trong tỉnh phải xác định công tác PCTN, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, được tiến hành mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; lấy phòng ngừa là cơ bản, lâu dài.

Chiến lược quốc gia PCTN, tiêu cực đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hải Dương được thực hiện theo hai giai đoạn

Với mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng xã hội dân chủ, kỷ cương, liêm chính; giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Hải Dương cho biết, Chiến lược quốc gia PCTN, tiêu cực đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hải Dương được thực hiện theo hai giai đoạn.

Cụ thể, trong giai đoạn thứ nhất (từ năm 2023 đến năm 2026), tỉnh tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi và kiến nghị sửa đổi, bổ sung khắc phục những sơ hở bất cập của pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, tiêu cực; chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định.

Trong giai đoạn thứ hai (từ năm 2026 đến năm 2030), phát huy những kết quả đã đạt được trong giai đoạn thứ nhất, trên cơ sở sơ kết, căn cứ yêu cầu của công tác PCTN, tiêu cực và tình hình thực tiễn, UBND tỉnh sẽ xây dựng Kế hoạch cụ thể để thực hiện Chiến lược giai đoạn 2026 - 2030 và đẩy mạnh thực hiện toàn diện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược.

leftcenterrightdel
Thành phố Hải Dương (ảnh: baochinhphu.vn) 

Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành trong tỉnh phải xác định công tác PCTN, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, được tiến hành mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; lấy phòng ngừa là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách, đột phá; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa, phát hiện, xử lý và sử dụng đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự.

Gắn PCTN, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiểm soát quyền lực nhà nước, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, củng cố niềm tin của Nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác PCTN, tiêu cực phải bảo đảm quán triệt quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Chiến lược quốc gia PCTN, tiêu cực của Chính phủ; các chương trình, kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh và của UBND tỉnh về công tác PCTN, tiêu cực.

Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp PTCN, tiêu cực

Nhằm triển khai Chiến lược quốc gia PCTN, tiêu cực đến năm 2030 trên địa bàn, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên tổ chức rà soát, kịp thời đề nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, tiêu cực trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quá trình ban hành, sửa đổi, bổ sung, thu hồi, đình chỉ, gia hạn, bãi bỏ, tổ chức thực hiện các quyết định hành chính. Khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp đơn vị hành chính và bộ máy hành chính nhà nước các cấp trong tỉnh bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; quy định cụ thể, rõ ràng, khoa học chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý, đảm bảo minh bạch và trách nhiệm cao.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với người vi phạm trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ, đạo đức lối sống của cán bộ công chức, viên chức. Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, không hoàn thành nhiệm vụ công vụ.

Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Cụ thể, tăng cường chế độ trách nhiệm, đẩy mạnh PCTN, tiêu cực trong các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN, tiêu cực trên địa bàn tỉnh, nhất là các cơ quan, đơn vị chuyên trách. Thực hiện các quy định bảo đảm cho việc thu hồi, tịch thu triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát do tham nhũng, tiêu cực...

Đặc biệt, tăng cường vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, báo chí trong quá trình xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về PCTN, tiêu cực; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động hội viên, đoàn viên, Nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật về PCTN, tiêu cực.

Dương Nguyễn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra