Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng kinh phí, tài sản của Nhà nước
Xác định công tác xây dựng, rà soát và hoàn thiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn giữ vai trò quan trọng trong công tác phòng ngừa tham nhũng, hằng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức rà soát, kịp thời ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn và công khai các chế độ, định mức, tiêu chuẩn theo quy định.
Các cơ quan, đơn vị đã căn cứ các quy định của Trung ương và của tỉnh để cụ thể hóa thành các tiêu chuẩn, định mức của cơ quan, đơn vị. Đến nay, các sở, ngành, địa phương đã được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, biên chế và tài chính, thực hiện quản lý thu chi theo quy định; 100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trong tỉnh đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý sử dụng tài sản công và thực hiện đảm bảo tiết kiệm nguồn lực tài chính, bổ sung tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, qua đó đã nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng kinh phí, tài sản của Nhà nước, góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa tham nhũng tại các cơ quan, đơn vị.
Công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về chế độ, định mức tiêu chuẩn được chú trọng; các sở, ngành, địa phương đã tăng cường rà soát các chế độ, định mức, tiêu chuẩn thuộc phạm vi quản lý. Ngành Tài chính và Kho bạc tỉnh phối hợp hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các chế độ định mức, tiêu chuẩn, đảm bảo thanh toán, chi trả theo đúng chế độ quy định, kiên quyết từ chối thanh toán, các khoản chi vượt tiêu chuẩn, định mức, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm.
Về thực hiện công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã thực hiện việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, gắn với thực hiện cải cách hành chính và quy chế dân chủ cơ sở. Tập trung công khai các lĩnh vực như: Công khai dự toán, quyết toán ngân sách; công tác cán bộ; tài chính; quản lý đất đai, tài sản công; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; quy trình, thủ tục, thời hạn giải quyết các thủ tục hành chính; kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra... Việc công khai được các cơ quan, đơn vị thực hiện bằng nhiều hình thức như: Ban hành văn bản; niêm yết tại trụ sở làm việc; thông báo công khai tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị.
|
|
Ảnh minh họa (nguồn: dangcongsan.vn) |
Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng
Nhìn chung, công tác phòng, chống tham nhũng của tỉnh trong năm 2023 tiếp tục được triển khai thực hiện cơ bản đồng bộ, thường xuyên. Việc tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong phòng, chống tham nhũng.
Công tác thanh tra, thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng gắn với việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó, tập trung thanh tra những nội dung dễ phát sinh sai phạm, đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng. Cơ quan điều tra, kiểm sát, Tòa án đã tích cực thực hiện điều tra, công tố, xét xử các vụ việc tham những kịp thời xử lý những vụ việc tham nhũng theo quy định.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, chưa tiến hành sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân. Công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng còn hạn chế. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa hiệu quả.
Do đó, UBND tỉnh cho biết, trong năm 2024 sẽ thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; xây dựng và thực hiện tốt các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính. Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương, pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án của Chính phủ về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Thanh tra tăng cường công tác nắm tình hình về tham nhũng; tổ chức thanh tra, kiểm tra vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi tham nhũng. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Thanh tra tỉnh với Cục Thuế tỉnh, Sở Tài chính và Kho bạc nhà nước tỉnh trong hoạt động thanh tra nhằm chống thất thu thuế, tăng thu cho ngân sách nhà nước. Phối hợp tốt với Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra theo quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT- VKSNDTC-BCA-BQP-TTCP của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Thanh tra Chính phủ.
Mặt khác, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng ở các các cấp, gắn với trách nhiệm, nhận thức của người đứng đầu trong công tác quản lý, điều hành với công tác phòng ngừa tham nhũng; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết công việc, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn đối với người dân, doanh nghiệp.