|
|
Trụ sở TAND tỉnh Tây Ninh. Ảnh TNO |
Việc xác minh tài sản, thu nhập lần này nhằm xem xét, đánh giá tính trung thực của việc kê khai tài sản, thu nhập; kiểm soát sự biến động về tài sản thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; đồng thời phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng (nếu có).
Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của TAND tối cao chọn ra 3 cơ quan, đơn vị gồm: TAND hai cấp tỉnh Tây Ninh, TAND hai cấp tỉnh Hòa Bình và TAND hai cấp tỉnh Phú Yên.
Tại các đơn vị trên, 32 cán bộ tòa án sẽ được lựa chọn bằng hình thức bốc thăm ngẫu nhiên, trong đó TAND tỉnh Tây Ninh chọn 12/128 người có nghĩa vụ kê khai, TAND tỉnh Hòa Bình chọn 10/53 người có nghĩa vụ kê khai, TAND tỉnh Phú Yên chọn 10/44 người có nghĩa vụ kê khai.
Theo Điều 16 Nghị định 130, việc lựa chọn người có nghĩa vụ kê khai được xác minh theo kế hoạch hằng năm phải căn cứ vào 2 tiêu chí: Người có nghĩa vụ kê khai là đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm; người có nghĩa vụ kê khai chưa được xác minh về tài sản, thu nhập trong thời gian 4 năm liền trước đó.
Theo kế hoạch ban hành, Ban Thanh tra TAND tối cao được giao nhiệm vụ chủ trì, tham mưu Chánh án TAND tối cao triển khai hoạt động xác minh tài sản, thu nhập tại các cơ quan, đơn vị, cá nhân được lựa chọn xác minh tài sản, thu nhập.
Theo Nghị định 130, người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại điều 51 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
Người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che giấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 2 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm./.