Ninh Bình:

Khởi tố 04 vụ, 08 bị can về tham nhũng, thu hồi hơn 4,3 tỷ đồng

Thứ năm, 24/08/2023 10:08
(ThanhtraVietNam) - Từ đầu năm đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh triển khai kịp thời, đồng bộ, toàn diện; các vụ việc, vụ án có liên quan đến tham nhũng được quan tâm chỉ đạo xử lý nghiêm túc, kịp thời. Đáng chú ý, các cơ quan tố tụng tỉnh Ninh Bình đã tiến hành điều tra, khởi tố 04 vụ, 08 bị can về tham nhũng thu hồi hơn 4,3 tỷ đồng.

Trong công tác lãnh đạo, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN, TC; thực hiện công khai minh bạch các hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cải cách hành chính, công khai thủ tục hành chính, thực hiện tốt Cổng dịch vụ công của tỉnh nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Ngày 03/3/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 35/KH-UBND về công tác PCTN, TC năm 2023 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, đồng thời chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tỉnh triển khai tổ chức thực hiện.

Các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện việc công khai, minh bạch các hoạt động theo quy định của Luật PCTN, tập trung công khai trên các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng như: lĩnh vực đầu tư xây dựng, đấu thầu, thu chi tài chính, mua sắm tài sản công, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tín dụng, ngân hàng, thực hiện chính sách xã hội, công tác cán bộ, y tế, giáo dục, thuế, phí và các khoản đóng góp của nhân dân để xây dựng nông thôn mới...

leftcenterrightdel
  Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Ninh Bình. Ảnh minh hoạ: noichinh.vn

Chỉ đạo rà soát, sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức kinh tế; công khai quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý tài sản công, các tiêu chuẩn, định mức; công tác cán bộ, bổ nhiệm, luân chuyển, đào tạo bồi dưỡng, khen thưởng; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành công vụ. Thường xuyên sửa đổi, bổ sung, công khai Quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý tài sản công theo quy định, thực hiện các chế độ định mức, tiêu chuẩn, công khai dân chủ, tiết kiệm chi ngân sách; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan Tài chính, Kho bạc trong thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn đối với các cơ quan, đơn vị. 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan, đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình đã ban hành mới, sửa đổi, bổ sung 39 văn bản quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ liên quan đến lĩnh vực tài chính.

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 09/KH-UBND ngày 13/01/2023 về việc chuyển đổi vị trí công tác năm 2023 trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong tỉnh thực hiện rà soát, xây dựng kế hoạch, thực hiện nghiêm túc việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức tập trung các lĩnh vực, ngành, nghề định kỳ phải chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của pháp luật về PCTN,TC. Kết quả đến hết tháng 6/2023, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 53/140  cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng phải chuyển đổi.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội khu vực ngoài Nhà đã thực hiện nghiêm túc các quy định về thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; quy định về thực hiện việc kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; quy định về trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức do mình quản lý; kịp thời phát hiện, phản ánh và phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp, tổ chức mình theo quy định của pháp luật và điều lệ, quy chế, quy định của doanh nghiệp, tổ chức...

Các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về PCTN cho đoàn viên, hội viên và Nhân dân với các hình thức tuyên truyền phong phú, đồng thời tích cực tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN,TC.

Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm, các cơ quan tố tụng tỉnh Ninh Bình đã tiến hành điều tra, khởi tố 04 vụ, 08 bị can phạm tội về tham nhũng với các tội danh danh “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gây thiệt hại số tiền là trên 4,4 tỷ đồng, trong đó đã thu hồi hơn 4,3 tỷ. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCTN; chủ động tự phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, vụ án tham nhũng và trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý.

Có thể thấy, thời gian vừa qua, UBND tỉnh Ninh Bình đã kịp thời xây dựng các chương trình, kế hoạch, văn bản triển khai thực hiện, chỉ đạo các cấp, các ngành, người đứng đầu đơn vị thực hiện các giải pháp phòng ngừa, phát hiện; nhận diện dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng trong từng ngành, cơ quan, đơn vị, đề cao ý thức trách nhiệm trong việc quản lý; thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tình hình để ngăn chặn, phát hiện xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, qua đó đã có chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong công tác PCTN trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian còn lại của năm 2023, UBND tỉnh cần tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm các giải pháp phòng ngừa, thực hiện công khai minh bạch hoạt động của các cơ quan, đơn vị, rà soát các thủ tục hành chính ở các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng, đấu thầu đất, công tác cán bộ, thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến người dân và doanh nghiệp.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm về công PCTN, TC, giải quyết tố cáo, kịp thời phát hiện các hành vi tham nhũng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý các hành vi tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có cơ hội dễ phát sinh, tiêu cực; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng. Động viên, khen thưởng, bảo vệ người tố cáo và tố giác hành vi tham nhũng.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử, thu hồi tài sản tham nhũng; xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, nhũng nhiễu, tham nhũng, bao che, xử lý nội bộ, rút kinh nghiệm đối với các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, các vụ việc vi phạm đạo đức công vụ. Công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định./.

Hà Tuấn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra