Triển khai kịp thời chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Trong 9 tháng đầu năm 2022, các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố Cà Mau đã cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) theo Nghị quyết XIII của Đảng; rà soát, tham mưu, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm hoàn thiện thể chế để “không thể tham nhũng”.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; các lĩnh vực, vấn đề nổi cộm, đang gây bức xúc trong dư luận. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cơ chế phối hợp trong việc phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, thi hành án theo Công văn số 184-CV/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tập trung xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc theo Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục liêm chính, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, nhất là người đứng đầu; kịp thời chỉ đạo, định hướng, cung cấp đầy đủ thông tin về quan điểm, chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về PCTN, tiêu cực.
Quan tâm đến trình độ chuyên môn và năng lực trong chuyển đổi vị trí công tác
Căn cứ Luật PCTN năm 2018, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN năm 2018, các cơ quan, đơn vị đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác. Trong 9 tháng đầu năm 2022, theo số liệu tổng hợp từ các cơ quan, đơn vị đã thực hiện chuyển đổi 65 vị trí công tác.
Nhìn chung, quá trình thực hiện chuyển đổi vị trí công, các cơ quan đơn vị luôn quan tâm đến trình độ chuyên môn và năng lực công tác của người được chuyển đổi, cơ bản làm tốt công tác tư tưởng, hạn chế được tình trạng yêu cầu, khiếu nại, tố cáo trong quá trình thực hiện chuyển đổi.
Tuy nhiên, trong thực tế triển khai vẫn còn một số khó khăn như: Một số cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác chung chung, chưa nêu rõ, cụ thể các vị trí công tác phải chuyển đổi, thời gian thực hiện chuyển đổi nên chưa thể đánh giá kết quả thực hiện so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do đến nay chỉ có 05/22 bộ, ngành Trung ương ban hành văn bản quy định cụ thể danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác.
|
|
Ảnh minh họa (nguồn: Internet) |
Đối với trường hợp cơ quan, đơn vị chỉ có một vị trí trong danh mục định kỳ chuyển đổi vị trí công tác, mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác với các vị trí còn lại, việc chuyển đổi vị trí công tác chưa thể thực hiện được do theo quy định phải lập kế hoạch chuyển đổi chung, nhưng hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể vấn đề này.
Một số trường hợp theo quy định phải thực hiện chuyển đổi vị trí công tác nhưng chưa thể thực hiện do không đảm bảo về trình độ chuyên môn theo Đề án vị trí việc làm đã phê duyệt.
Đối với một số lĩnh vực ngành nghề yêu cầu tính chuyên sâu, việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đôi lúc gặp khó khăn trong việc lựa chọn vị trí phù hợp để chuyển đổi hoặc cần thời gian để đào tạo, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết công việc.
Thanh tra tỉnh Cà Mau cho biết, việc thực hiện chuyển đổi đối với công chức cấp xã, phường, thị trấn như: Tài chính - kế toán, tư pháp - hộ tịch, địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường... gặp khó khăn do một số cơ quan, đơn vị chỉ có một vị trí, nếu thực hiện chuyển đổi phải chuyển từ xã này sang xã khác, sẽ khó khăn cho công chức trong việc đi lại, trong tiếp cận công việc, nắm bắt tình hình, đặc điểm địa bàn mới, nhất là đối với các trường hợp có điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, chăm sóc cha, mẹ già yếu, đang nuôi con nhỏ.
Đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý tham nhũng
Mặc dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng hoạt động của tỉnh, nhưng công tác PCTN được các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, Nhân dân đồng thuận, các sở, ban, ngành tỉnh, các huyện, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc, nên đạt được hiệu quả tốt, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngày được nâng lên.
Nhìn chung, tình hình tham nhũng có giảm so với kỳ trước, các vụ việc, vụ án tham nhũng phát hiện từ những năm trước tiếp tục được xử lý nghiêm minh, có sức răn đe. Từ đó, công tác đấu tranh chống tham nhũng đạt khá toàn diện, có sự chuyển biến tích cực.
Về công tác chỉ đạo, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kế hoạch công tác PCTN năm 2022 trên địa bàn tỉnh, triển khai thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN,TC. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đã được các cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được đẩy mạnh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm...
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền về PCTN,TC chưa thường xuyên. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng mặc dù đã được các cơ quan, đơn vị thực hiện nhưng vẫn còn hạn chế. Giải pháp kiểm soát xung đột ích chưa được quan tâm đúng mức. Nhận thức về kê khai tài sản, thu nhập của một số cán bộ, công chức còn hạn chế (sử dụng mẫu kê khai chưa đúng đối tượng kê khai, dùng mẫu theo quy định cũ đã hết hiệu lực; kê khai tài sản, thu nhập chưa đầy đủ nội dung; hiểu sai tổng thu nhập giữa 2 lần kê khai).
Để phát huy kết quả tích cực đã đạt được, cũng như khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế, trong 3 tháng cuối năm 2022, tỉnh tiếp tục công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành văn bản triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành của cấp trên trong công tác PCTN.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; tăng cường công tác tự kiểm tra, thanh tra; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả nạn “tham nhũng vặt”; tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa tham nhũng.
Tiếp tục thực hiện các quy định của Đảng, các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương PCTN,TC, của Tỉnh ủy và các chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN, nhất là Luật PCTN năm 2018, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Đồng thời, thực hiện các giải pháp tự kiểm tra, thanh tra, giải quyết tố cáo để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ việc tham nhũng; tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác PCTN,TC.