Một số giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng ở Agribank

Thứ năm, 05/01/2023 12:59
(ThanhtraVietNam) - Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn còn hạn chế nhất định nên lãnh đạo Ngân hàng đã tích cực chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, quy chế, quy định nội bộ đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, thực tiễn hoạt động và đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong toàn hệ thống.

Tham nhũng được xác định là một trong những nguy cơ đe dọa kéo lùi sự phát triển và đang trở thành một thách thức mang tính toàn cầu.

Do đó, việc Việt Nam tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng là chủ trương đúng đắn, khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước ta trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Việc chính thức trở thành thành viên của Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng kể từ ngày 19/8/2009, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo hướng nâng cao mức độ tuân thủ các yêu cầu của Công ước, đặc biệt là các yêu cầu bắt buộc. Có thể thấy, việc hoàn thiện chính sách, pháp luật được chú trọng một cách toàn diện ở cả khía cạnh phòng ngừa và phát hiện, xử lý tham nhũng.

Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) được thành lập theo Nghị định số 53-HĐBT ngày 26/03/1988 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).

Hơn 30 năm qua, Agribank luôn khẳng định vị thế, vai trò đi đầu thực hiện chính sách tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, luôn đồng hành cùng sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, có nhiều đóng góp tích cực thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội.

Hiện nay, Agribank đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Agribank về phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực và lãng phí do Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên là Trưởng Ban Chỉ đạo; Ban Kiểm tra, giám sát nội bộ là đơn vị thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo.

Ban Kiểm tra, giám sát nội bộ đã thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chức trách, nhiệm vụ của đơn vị đầu mối tham mưu, giúp việc góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTN của Agribank.

Trong đó, đã phối hợp với các đơn vị để tham mưu cấp có thẩm quyền phổ biến, quán triệt đầy đủ, kịp thời các văn bản của Đảng, Nhà nước và của cơ quan cấp trên các văn bản liên quan đến công tác PCTN đến toàn thể viên chức và người lao động trong hệ thống Agribank; tham mưu ban hành các văn bản triển khai chế độ báo cáo về PCTN, công tác kê khai, công khai tài sản, thu nhập theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Văn bản số 704/TTGSNH7 ngày 28/3/2021 về kiểm soát tài sản, thu nhập năm 2020 của Ngân hàng Nhà nước; tham mưu Ban Thường vụ Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Tổng Giám đốc Agribank ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức cơ sở đảng, đơn vị, cá nhân thuộc Agribank trong việc chấp hành quy định của Đảng, Nhà nước và Agribank nhằm phát hiện, cảnh báo, xử lý và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, hành vi tiêu cực, tham nhũng…

Nhằm hoàn thiện mục tiêu hoàn thiện hệ thống chính sách, quy chế, quy định nội bộ đảm bảo tuân tủ quy định pháp luật, thực tiễn hoạt động của Agribank, đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hệ thống Agribank; nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn thể cán bộ trong việc chủ động phòng ngừa, tích cực tham gia đấu tranh phòng chống hành vi vi phạm pháp luật tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, ngày 29/11/2022, Tổng Giám đốc Agribank đã ban hành văn bản số 11831/NHNo-KTNB về việc triển khai Kế hoạch số 631/HĐTV-KTNB giai đoạn 2022-2023 (Kế hoạch số 631/HĐTV-KTNB ngày 31/8/2022 của Hội đồng thành viên Agribank về Triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước” tại Agribank giai đoạn 2021-2025). Trong đó, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật nâng cao đạo đức nghề nghiệp và thường xuyên thông tin cho cán bộ, nhân viên về những hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí tại Agribank. Xây dựng, ban hành và thực hiện nghiêm túc các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của Agribank. Vận động cán bộ, nhân viên tích cực phòng chống, ngăn chặn, phát hiện, tố giác hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong Agribank nhằm góp phần đảm bảo an ninh, an toàn, hoạt động của Agribank. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc công bố thông tin tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật và Agribank, đảm bảo thông tin được công bố kịp thời, đầy đủ, chính xác; công khai các quy trình, thủ tục giao dịch với khách hàng tại các điểm giao dịch nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang triển khai công việc. Ảnh: NT 

Để công tác phòng ngừa và đấu tranh PCTN đi vào thực chất và ngày càng phát huy hiệu quả, Agribank đã xác định một số phương hướng, nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới, đó là:

Là một người lao động thuộc Agribank Chi nhánh Tuyên Quang, tác giả cho rằng, việc tổ chức triển khai tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTN trong thời gian qua đã tạo chuyển biến trong nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên người lao động về công tác phòng ngừa, đấu tranh PCTN, tiêu cực, lãng phí và góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, người lao động vào môi trường làm việc dân chủ, công khai, minh bạch; thôi thúc xây dựng và thực hành đạo đức liêm chính, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động. Điều này, sẽ tạo động lực để cán bộ, đảng viên, người lao động Agribank tâm huyết, trách nhiệm cống hiến, giữ gìn và bảo vệ uy tín thương hiệu Agribank, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của Agribank.

Một là, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về công tác PCTN,TC đến toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động trong hệ thống Agribank; tiếp tục tuyên truyền, tập huấn Luật Phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14 ngày 20/11/2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định số 134/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 và các văn bản pháp luật về PCTN, Hướng dẫn một số nội dung về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Ban chỉ đạo TW về phòng chống, tham nhũng, tiêu cực (HD số 25-HD/BCĐTW ngày 1/8/2022), các Nghị quyết, Chương trình, văn bản chỉ đạo của Trung ương về PCTN; tăng cường công tác giáo dục đạo đức, tác phong nghề nghiệp đến cán bộ, nhân viên, người lao động để ngăn ngừa, phòng chống các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, tội phạm xảy ra.

Hai là, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, chỉ đạo, quản lý, điều hành của người đứng đầu đơn vị trong công tác PCTN,TC&TP. Gắn công tác PCTN,TC&TP với việc thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 03-KH/TW ngày 01/12/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Chương trình hành động số 04-CTr/BNCTW ngày 28/4/2022 của ngành Nội chính Đảng thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về nhiệm vụ công tác nội chính, PCTN, tiêu cực, cải cách tư pháp và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Ba là, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN cho cán bộ toàn hệ thống Agribank; lồng ghép trong các Hội nghị tổng kết, sơ kết, giao ban và các chương trình đào tạo tập trung hàng năm của Agribank.

Bốn là, hoàn thành Kế hoạch kiểm tra, giám sát toàn hệ thống năm 2022 tập trung vào các lĩnh vực, nghiệp vụ trọng yếu, dễ phát sinh rủi ro như: Tổ chức cán bộ, tín dụng, tài chính kế toán, kho quỹ,...; phối hợp với các Cơ quan thanh tra, kiểm toán để phát hiện sớm và ngăn ngừa kịp thời các hành vi vi phạm quy định pháp luật, hành vi tham nhũng trong hoạt động ngân hàng; xử lý nghiêm cán bộ, lãnh đạo vi phạm đảm bảo kỷ cương, kỷ luật kinh doanh trong toàn hệ thống Agribank.

Năm là, thường xuyên cập nhật thông tin, cảnh báo rủi ro và hành vi tiêu cực, tham nhũng và tội phạm xảy ra tại các Tổ chức tín dụng để thông báo kịp thời trong toàn hệ thống, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, phòng tránh rủi ro, tiêu cực, tham nhũng và tội phạm trong nội bộ Agribank.

Sáu là, tiếp tục bổ sung, sửa đổi các quy chế quản trị điều hành, quy chế, quy trình nghiệp vụ ngân hàng, tập trung hoàn thiện các quy chế về hệ thống kiểm soát nội bộ đáp ứng quy định Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18/5/2018 Quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; quy chế liên quan đến PCTN theo quy định Luật Phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14 năm 2018; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019. Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định, quy trình nghiệp vụ; các chế độ, định mức, tiêu chuẩn đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật và thực tiễn hoạt động của Agribank.

Bảy là, tiếp tục thực hiện một số giải pháp nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ về công tác tổ chức, cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong tình hình mới về mô hình tổ chức, mạng lưới; bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ; thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử, quy trình nghiệp vụ.

Tám là, chủ động phối hợp với cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc phổ biến, cảnh báo hành vi phạm tội, thủ đoạn gây án trong hoạt động ngân hàng; cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng của các đối tượng phạm tội để phục vụ công tác điều tra theo đúng quy định của Agribank; chuyển hồ sơ các vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự sang Cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật, Agribank; phối hợp cơ quan bảo vệ pháp luật để đẩy nhanh việc xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng.

Chín là, tiếp tục thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở; thường xuyên nắm bắt diễn biến tư tưởng đạo đức cán bộ; khuyến khích và có chế độ khen thưởng người lao động phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng tại đơn vị; chỉ đạo và xử lý, giải quyết đơn thư kịp thời, đúng quy định… nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong hệ thống Agribank.

Phạm Ngọc Tú
Agribank Chi nhánh TP Tuyên Quang

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra