Một số giải pháp nâng cao hiệu quả việc thu hồi tài sản thất thoát do tham nhũng, tiêu cực

Thứ sáu, 16/09/2022 16:43
(ThanhtraVietNam) - Những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) có sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động trong phòng ngừa, xử lý hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản bị thất thoát do tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những hạn chế trong công tác PCTN của nước ta hiện nay. Vì vậy, cần phối hợp và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác này.

Kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn điều tra

Công tác thu hồi tài sản bị thất thoát do tham nhũng, tiêu cực luôn được Chính phủ quan tâm chỉ đạo tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản. Theo đó, đã chỉ đạo, yêu cầu các cấp, các ngành, cơ quan chức năng phải quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là Kết luận số 12-KL/TW ngày 6/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, tiêu cực.

Trong đó, yêu cầu tập trung, chủ động kiểm tra, xác minh, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản, thu hồi triệt để tài sản thất thoát do tham nhũng, tiêu cực ngay trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế.

Những năm qua, nhiều biện pháp tăng cường thu hồi tài sản do tham nhũng đã được áp dụng đồng bộ. Đáng chú ý, các cơ quan chức năng đã chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng phạm tội tham nhũng ngay từ giai đoạn điều tra, không để tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng. Đồng thời, khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho Nhà nước.

Điều 93 Luật PCTN năm 2018 quy định rõ: Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật. Việc thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những tiêu chí đánh giá về công tác PCTN.

Luật cũng quy định về hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng. Cụ thể, quy định các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trong kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tịch thu hoặc thu hồi tài sản tham nhũng và trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp. Khoản 2 Điều 91 Luật PCTN quy định, Viện kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan Trung ương về hợp tác quốc tế thu hồi tài sản tham nhũng trong tố tụng hình sự; tiếp nhận, xử lý yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự của nước ngoài về thu hồi tài sản tham nhũng và đề nghị nước ngoài thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự về thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam.

leftcenterrightdel
Hội thảo tập huấn ASEAN-PAC về kiểm soát tài sản thu nhập  do Thanh tra Chính phủ tổ chức trong năm 2021. (Ảnh minh họa, Minh Nguyệt)

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có Báo cáo số 1327/BC-TTCP về kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, trong đó có trả lời cử tri nội dung về việc thu hồi tài sản thất thoát do tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.

Thanh tra Chính phủ cho biết, mặc dù kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước, song việc thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn là một trong những hạn chế trong công tác PCTN của nước ta hiện nay. Đồng thời lý giải, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do số tiền thu hồi rất lớn nhưng người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm giá trị thấp; thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc dài, tài sản đã bị tẩu tán, che giấu hoặc tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng; vướng mắc về cơ chế, thể chế trong việc xử lý tài sản, làm ảnh hưởng đến quá trình thi hành án; trong một số vụ án vẫn xảy ra trường hợp đối tượng bỏ trốn, việc tương trợ tư pháp hình sự còn gặp nhiều khó khăn...

Theo Thanh tra Chính phủ, để khắc phục tình trạng trên, nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, các cơ quan chức năng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác PCTN nói chung và công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói riêng. Qua đó, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm liên quan đến công tác thu hồi tài sản, nhất là việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản trong thi hành án.

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp; tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác thu hồi tài sản, nhất là việc kê biên, phong tỏa, tạm giữ, phục vụ cho việc tổ chức thi hành án, thu hồi tối đa tài sản công bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Tăng cường hợp tác quốc tế để thu hồi tài sản tham nhũng trong tố tụng hình sự; tiếp nhận, xử lý yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự của nước ngoài về thu hồi tài sản tham nhũng và đề nghị nước ngoài thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự về thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam.

Tiếp tục quan tâm kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ cơ quan Thi hành án dân sự; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ này. Xử lý dứt điểm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn tồn đọng, kéo dài. Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong việc chậm thi hành một số bản án có điều kiện thi hành; việc tổ chức bán đấu giá nhiều tài sản bị mất giá; nếu có dấu hiệu vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Quan tâm chỉ đạo Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, trực tiếp là các ngành: Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp và các ngành có liên quan, nâng cao trách nhiệm, khẩn trương thực hiện và kết luận, định giá tài sản theo trưng cầu, yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng; phối hợp với các cơ quan Thi hành án dân sự để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thu hồi tài sản.

Mặt khác, để việc thu hồi tài sản theo bản án, quyết định của Tòa án đạt hiệu quả, tránh tình trạng tẩu tán tài sản, các cấp, các ngành cần phối hợp và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: Nâng cao tính trung thực, trách nhiệm trong việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; có hình thức xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc kê khai tài sản, thu nhập; có cơ chế đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt, hạn chế sử dụng tiền mặt trong việc giao dịch mua, bán các tài sản có giá trị lớn để thuận tiện trong việc kiểm soát thu nhập cũng như truy tìm tài sản đã bị tẩu tán./.

Hoàng Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra