Quá trình thực hiện quản lý dự án, một số chuyên gia quản lý dự án nhận thấy công tác đầu tư xây dựng cơ bản nói chung có thể xảy ra một số sai phạm, tiêu cực trong một số khâu như: Thất thoát, lãng phí trong khâu chủ trương đầu tư; thất thoát, lãng phí trong khâu khảo sát, thiết kế và lập dự toán; thất thoát trong khâu đến bù, giải phóng mặt bằng; thất thoát, lãng phí trong công tác quản lý và điều hành kế hoạch vốn đầu tư hàng năm; thất thoát, lãng phí trong khâu lựa chọn Nhà thầu và Nhà đầu tư; thất thoát, lãng phí trong khâu thi công, xây lắp công trình.
Hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản trải qua nhiều khâu, giai đoạn như vậy cùng với những nguy cơ về sai phạm, tham nhũng, tiêu cực hay thất thoát đặt ra vấn đề cần các giải pháp căn cơ, lâu dài trong phạm vi quản lý dự án. Quá trình quản lý thực hiện các dự án, các chuyên gia, nhà quản lý đề ra một số giải pháp sau:
Một là cần nghiên cứu kỹ và nghiêm túc thực hiện hệ thống luật, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trong đầu tư xây dựng. Tập trung phân tích tính đúng đắn của chủ trương đầu tư, sự cấn thiết đầu tư, điều tra khảo sát lập dự án đầu tư cho từng dự án phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển của Trung ương và các địa phương; chú trọng hơn nữa việc công khai, minh bạch và tuân thủ đầy đủ các quy định, trình tự xây dựng cơ bản hiện hành trong toàn bộ quá trình thực hiện dự án: Tuân thủ các quy trình kỹ thuật trong khâu khảo sát thiết kế nhằm lựa chọn đúng Nhà thầu, Nhà đầu tư có đủ năng lực, tăng cao hiệu quả trong hoạt động đấu thầu, đặc biệt đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP; tuân thủ quy định về quản lý chi phí, giá tành và các điều khoản theo hợp đồng xây dựng; thực hiện đúng quy trình và biện pháp thi công trong quá trình thi công xây dựng.
|
|
Cần triển khai các giải pháp động bộ để phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong đầu tư xây dựng cơ bản. Ảnh: T.A |
Hai là, nâng cao năng lực, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý dự án có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, có đầy đủ kiến thức và kỹ năng tương xứng với yêu cầu công việc. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng. Tập trung công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng chống tham nhũng đối với toàn thể cán bộ, công chức trong các đơn vị hoạt động xây dựng cơ bản.
Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát ngay trong từng khâu, giai đoạn của Dự án để kịp thời phát hiện, điều chỉnh, xử lý trong quá trình thực hiện. Công khai kết quả thanh tra, kiểm toán trên các phương tiện thông tin đại chúng để giúp các đơn vị nhận thức và quan tâm hơn đến việc phòng ngừa, hạn chế những thiệt hại do lãng phí nguồn lực gây ra; tăng cường hơn công tác kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị của thanh tra, kiểm toán đồng thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ trách nhiệm đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc không thực hiện kết luận, kiến nghị của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước.
Bốn là, chú trọng hơn nữa đến việc phân tích, đánh giá, xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trên cơ sở quy định của hệ thống pháp luật liên quan như: Trách nhiệm của chủ đầu tư, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và các Nhà đầu tư; trách nhiệm của các nhà thầu xây lắp, cung cấp trang thiết bị, vật tư; trách nhiệm của các Nhà thầu tư vấn…Qua đó, có thể đưa ra những biện pháp xử lý đúng mực và kịp thời khi phát hiện sai phạm.
Năm là, thường xuyên tổng kết thực tiễn, phân tích những ưu, nhược điểm trong quá trình quản lý các dự án đầu tư để tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm quản lý; đúc rút kinh nghiệm trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản; nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh cơ chế, chính sách kịp thời cho phù hợp với thực tế, để giảm thiểu tình trạng lãng phí, thất thoát cũng như điều kiện có thể tham nhũng của các cá nhân, tổ chức tham gia nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý đầu tư xây dựng.
Theo các chuyên gia, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, ngoài việc tăng cường hoàn thiện cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật liên quan của Nhà nước, chú trọng một số nội dung: Tăng cường công khai minh bạch trong quá trình thực hiện để nhân dân có thể theo dõi và kiểm tra; nâng cao chuẩn mực đạo đức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ mang tình chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, tăng cường quản lý trong từng khâu, từng giai đoạn của quá trình thực hiện đầu tư xây dựng đảm bảo chặt chẽ, khoa học. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát thường xuyên phân tích, xử lý kịp thời các sai phạm xảy ra, thường xuyên tổ chức tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, đề xuất điều chỉnh cơ chế, chính sách kịp thời cho phù hợp với thực tế./.