Mặc dù đạt được những kết quả tích cực nêu trên, song công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Tỷ lệ thu hồi tài sản trong đa số các vụ án tham nhũng có tăng nhưng còn thấp so với số phải thu hồi. Số tiền, tài sản bị thất thoát do tham nhũng rất lớn nhưng tài sản để đảm bảo thi hành án thì nhỏ, chưa có các biện pháp, quy định cụ thể để truy tìm tài sản của người phải thi hành án bị che giấu nguồn gốc.
Các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chưa chú trọng áp dụng kịp thời các biện pháp cưỡng chế, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thậm chí trong một số vụ án, vụ việc vẫn còn để xảy ra tình trạng có đối tượng bỏ trốn, tẩu tán tài sản ra nước ngoài. Hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng còn khó khăn, vướng mắc.
Một trong những nguyên nhân là sự chậm trễ hoặc bỏ qua việc kê biên, phong tỏa tài sản ngay trong giai đoạn thanh tra, điều tra, truy tố chính là một trong những kẽ hở của pháp luật, dẫn đến nhiều đại án tham nhũng khó thu hồi tài sản.
Thực tế cho thấy, một vụ việc có thể thanh tra, điều tra, truy tố kéo dài hàng năm nếu chúng ta không có biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản kịp thời thì đây chính là “thời gian vàng” giúp cho tội phạm có điều kiện tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản phạm tội mà có.
Tuy nhiên, việc thu thập chứng cứ trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng gặp nhiều khó khăn, phức tạp, nhất là trong việc xác định tài sản có nguồn gốc tham nhũng bởi các hành vi tham nhũng thường diễn ra sau nhiều tháng, nhiều năm, thậm chí trong một khoảng thời gian dài mới bị phát hiện.
Tài sản bị thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra vì có những khoản tiền, tài sản không tách bạch được và những khoản tiền, tài sản bị tham nhũng này đã được thay đổi, tách biệt hoàn toàn ra khỏi tội phạm ban đầu. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng thường mất rất nhiều thời gian, bị cắt khúc do nhiều cơ quan có chức năng khác nhau thực hiện dẫn tới việc các cơ quan có thẩm quyền không kịp thời áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để thu giữ, kê biên tài sản của các đối tượng phạm tội theo đúng quy định của pháp luật.
Khó khăn này phần nào xuất phát từ việc kiểm soát kê khai minh bạch hóa tài sản của cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan có thẩm quyền chưa được tiến hành một cách quyết liệt, triệt để; thậm chí có đơn vị, địa phương chỉ tiến hành công việc này mang tính chất hình thức.
Chính vì vậy đã tạo ra những “kẽ hở” cho các đối tượng phạm tội lợi dụng để dễ dàng tẩu tán tài sản tham nhũng dưới nhiều hình thức khác nhau như đầu tư mua cổ phiếu, bất động sản nhưng nhờ người khác đứng tên, chuyển dịch tài sản cho người khác… thậm chí chuyển tiền ra nước ngoài, hoặc có trường hợp có căn cứ khẳng định tiền, tài sản liên quan đến hành vi tham nhũng nhưng chưa thể truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội được do nhiều lý do khác nhau như đối tượng phạm tội đã chết, mất tích hoặc bỏ trốn... thì theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự sẽ áp dụng biện pháp đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ điều tra, truy nã... Như vậy, sẽ chưa thể hoặc không thể thu hồi ngay được số tiền, tài sản này.
Bên cạnh đó tài sản xử lý để thu hồi trong các vụ án tham nhũng kinh tế là những tài sản phức tạp như tài sản đã bị tẩu tán ra nước ngoài, tài sản là các dự án bất động sản chưa hoàn thành về pháp lý, tài sản là cổ phần, cổ phiếu... gây khó khăn rất nhiều cho hoạt động thu hồi tài sản.
Do đó, công tác kê khai, minh bạch hóa tài sản và kiểm soát thu nhập của cán bộ, người có chức vụ quyền hạn mà Đảng và Nhà nước đang triển khai vô cùng quan trọng và cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay. Công tác “nặng nề và khó khăn” này Đảng và nhà nước giao ngành Thanh tra thực hiện. Do đó, để triển khai chính sách một cách hiệu quả cần phải nâng cao vai trò của công tác thanh tra bằng các quy định pháp luật cụ thể như quy định về quyền khởi tố vụ án khi phát hiện hành vi vi phạm, quyền thanh kiểm tra theo dõi biến động của mọi tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong quá trình thanh tra (kể cả việc tăng, giảm tài sản, thu nhập). Kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn nhằm tạo cơ sở quan trọng cho việc minh bạch hóa thu nhập và tài sản của người có chức vụ, quyền hạn và là một giải pháp hết sức quan trọng nhằm phòng ngừa và phát hiện tham nhũng cũng như góp phần nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Mặt khác, cần nghiên cứu và hoàn thiện các quy định pháp luật về cơ chế tịch thu, thu hồi tài sản. Hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp để tăng hiệu quả chế tài xử lý tham nhũng… bổ sung vào Luật Thanh tra, Luật Phòng, chống tham nhũng hoặc ban hành văn bản pháp lý mang tính chế tài, nhằm nâng cao quyền và vai trò của ngành Thanh tra trong công tác phòng và chống tham nhũng đã và đang được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao trọng trách cho Ngành thanh tra./.