Nghệ An: Một số nhóm giải pháp phòng ngừa tham nhũng chưa mang lại hiệu quả

Thứ tư, 18/10/2023 14:00
(ThanhtraVietNam) - Công tác phòng, chống tham nhũng tại Nghệ An thời gian qua đã được UBND tỉnh và các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện. Các giải pháp phòng, chống tham nhũng được thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ, do đó, chính quyền các cấp, các ngành đã đạt được những kết quả tích cực, rõ nét, phát hiện và xử lý được nhiều vụ việc tham nhũng qua công tác điều tra, truy tố, xét xử. Mặc dù vậy, một số nhóm giải pháp phòng ngừa chưa mang lại hiệu quả trên thực tiễn.

Số bị can tham nhũng tăng mạnh

Trong kỳ, các cơ quan điều tra đã tích cực xác minh và khởi tố nhiều vụ việc tham nhũng. Theo đó, số vụ án bị can tham nhũng được phát hiện trong kỳ là 27 vụ/101 bị can - tăng mạnh về số bị can tham nhũng phát hiện cùng kỳ năm trước (tăng 51 bị can so với cùng kỳ năm 2022).

Để xảy ra tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến nguyên nhân khách quan do tác động của nền kinh tế thị trường đã tác động tới một số ít cán bộ, công chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện, cùng với trình độ am hiểu pháp luật đã lợi dụng sơ hở của pháp luật để thực hiện những hành vi tham nhũng đã dẫn đến tình hình tham nhũng tại tỉnh Nghệ An đang xảy ra gây ảnh hưởng tới uy tín của bộ máy nhà nước đối với Nhân dân.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Trong thời gian tới, tình hình tham nhũng vẫn còn có diễn biến phức tạp, vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức lạm dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi cho bản thân, cho lợi ích nhóm và đặc biệt là vấn đề tham nhũng vặt đang diễn biến len lỏi tại các cơ quan, đơn vị làm cho nhân dân vẫn còn bức xúc, bất bình; tập trung xảy ra trên một số lĩnh vực nhạy cảm như: đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, thương mại, tài chính, ngân hàng, y tế… Nhóm hành vi tham nhũng dễ xảy ra, cần phải tập trung các giải pháp phòng, ngừa và đấu tranh là: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi.

Một số nhóm giải pháp phòng ngừa chưa mang lại hiệu quả

Tìm hiểu về những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng tại Nghệ An có thể thấy công tác tuyên truyền, phổ biển giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong kỳ đã mang lại hiệu quả nhất định, tuy nhiên, còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Các hình thức phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa đa dạng, chủ yếu là các hình thức truyền thống.

Một số nhóm giải pháp phòng ngừa tham nhũng tuy đã đạt được kết quả bước đầu nhưng chưa mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, như: Việc chuyển đổi vị trí công tác chưa mang lại hiệu quả cao trong việc phòng ngừa tham nhũng; việc chỉ đạo, hướng dẫn về công tác phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức, khu vực ngoài Nhà nước chưa được quan tâm đúng mức; công tác kê khai tài sản, thu nhập hiện nay chưa mang lại hiệu quả trong việc phòng ngừa tham nhũng.

Trong khi đó, việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn như: Việc xác định danh sách đối tượng phải kê khai giữa các đơn vị trên toàn tỉnh chưa thống nhất, khi triển khai các quy định của pháp luật mỗi đơn vị hiểu theo một cách khác nhau, việc thực hiện kê khai chưa đúng mẫu, chưa đúng theo hình thức dẫn đến việc phải trả bản kê khai để kê khai lại nhiều lần, việc thực hiện kê khai và giao nộp bản kê khai còn chậm thời gian; việc xác minh tài sản thu nhập còn nhiều khó khăn, vướng mắc do có nhiều loại tài sản không thể xác minh, do cơ chế phối hợp giữa cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước như ngân hàng, doanh nghiệp có liên quan... chưa chặt chẽ, chưa có quy định rõ ràng; ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát các giao dịch về tài sản, kiểm soát thu nhập còn hạn chế. Việc thực hiện Chỉ thị số 10/TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp ở một số lĩnh vực đã được chú trọng thực hiện nhưng hiện nay chưa có trường hợp nào bị phát hiện và xử lý kỷ luật bởi các cơ quan hành chính, mà chủ yếu được phát hiện và xử lý qua công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Một thực tế nữa là Nghệ An chưa phát hiện các vụ việc tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ và công tác thanh tra. Đây cũng là tình trạng chung ở nhiều địa phương trong phạm vi cả nước. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cho thấy sự quyết liệt của các cấp ủy đảng và chính quyền nhưng chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình.

Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng ở cấp huyện, sở chưa được hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn, thường xuyên thay đổi nên có lúc còn lúng túng trong việc hướng dẫn, tổng hợp công tác phòng, chống tham nhũng; việc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo có đơn vị còn chậm, chất lượng văn bản chưa cao, chưa đầy đủ thông tin báo cáo. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về công tác phòng, chống tham nhũng chưa đúng, chưa đầy đủ, thiếu gương mẫu; một bộ phận công chức còn có thái độ thiếu trách nhiệm, gây phiền hà cho công dân khi thực hiện nhiệm vụ công vụ, đặc biệt là ở cấp phường, xã.

Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới, Nghệ An tiếp tục tổ chức triển khai thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng; phổ biến pháp luật gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nghệ An tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đề cao tính gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong phòng, chống tham nhũng tiêu cực; chủ động phát hiện, kiểm soát xung đột lợi ích; xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy đinh pháp luât về phòng, chống tham nhũng theo kế hoạch và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội, những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín, bí mật (như lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác cán bộ…). Đẩy mạnh đôn đốc việc thực hiện kết luận, chỉ đạo sau thanh tra, kiểm tra; tiếp tục thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án./.

K. Dung
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra