Theo đó, thực hiện quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN), trong 9 tháng đầu năm, các ngành, địa phương trong tỉnh đã thực hiện 334 lớp với 40.269 lượt người tham dự, trọng tâm là Công ước Liên hiệp quốc về chống tham nhũng, Luật PCTN năm 2018, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ. Ngoài ra, thực hiện cấp phát 579 tài liệu, phát sóng trên đài truyền thanh 594 lượt, 18 tin và 14 chuyên mục về PCTN tại UBND huyện Chợ Mới, Phú Tân và Tịnh Biên. Qua công tác tuyên truyền tiếp tục nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác PCTN nhằm góp phần ngăn chặn, phòng ngừa hành vi tham nhũng.
Thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn
Tại các Sở Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Tư pháp, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và PTNT, Thông tin Truyền thông, Thanh tra tỉnh và các huyện An Phú, Châu Thành, Tịnh Biên, Phú Tân, Châu Phú … qua 9 tháng đầu năm đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 183 người thuộc thẩm quyền quản lý nhằm phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.
Trong thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trên toàn tỉnh có 4.065 người thực hiện kê khai tại 48 đơn vị. Các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo thời gian kê khai đúng quy định.
Thực hiện Văn bản số 248/TTCP-C.IV ngày 08/7/2022 của Thanh tra Chính phủ về việc định hướng xác minh tài sản, thu nhập năm 2022; UBND tỉnh ban hành Văn bản số 267/VPUBND-NC ngày 25/7/2022 phê duyệt nội dung xác minh tài sản, thu nhập năm 2022, trên cơ sở đó Thanh tra tỉnh ban hành Kế hoạch số 49/KH-TTT ngày 04/8/2022 và Quyết định 81/QĐ-TTT ngày 10/8/2022 về việc xác minh tài sản thu nhập của 46 người, hiện nay đang thực hiện việc xác minh tài sản, thu nhập theo quy định. Ngoài ra, cũng hoàn thành việc xác minh tài sản, thu nhập 01 trường hợp theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Trung tâm Dịch vụ Đấu giá tài sản, Sở Tư pháp.
Phát hiện, điều tra tài sản tham nhũng hơn 5 tỷ đồng
Trong công tác xử lý tham nhũng, trong 9 tháng đầu năm tổng số tài sản tham nhũng phát hiện được qua điều tra là 5.124,3 triệu đồng, đã thu hồi 755 triệu đồng (vụ Nguyễn Phước Linh, nguyên Chủ tịch UBND xã Phú Bình, huyện Phú Tân và vụ Huỳnh Minh Ngọc, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Phú), số tiền còn lại đang tiếp tục điều tra làm rõ. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh (Phòng PC01) đang thụ lý 01 vụ 01 bị can, số tiền 4.369,3 triệu đồng; cơ quan Cảnh sát điều tra TP Long Xuyên đã khởi tố 01 vụ 02 bị can có dấu hiệu sai phạm trong quản lý, sử dụng tài chính gây thiệt hại 517 triệu đồng, đã thu hồi 445 triệu đồng.
Ngoài ra, thực hiện công tác tự kiểm tra nội bộ (Quyết định số 80/QĐ-UBND ngày 18/7/2022 của UBND thành phố Long Xuyên) về kiểm tra đột xuất việc bồi thường hỗ trợ, tái định cư đối với hộ dân trên địa bàn thành phố Long Xuyên; qua đó phát hiện sai phạm và đã thu hồi số tiền 03 tỷ và 01 Giấy CNQSD đất đã cấp sai quy định; vụ việc đã chuyển cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ liên quan 01 vụ 01 người.
Có thể nói, thời gian qua công tác PCTN đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm triển khai thực hiện, có sự chuyển biến tích cực hơn, được đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng được quan tâm thực hiện, nhất là việc công khai, minh bạch hoạt động của bộ máy nhà nước; cải cách hành chính; quản lý, sử dụng tài sản công; trách nhiệm người đứng đầu, đạo đức công vụ; minh bạch tài sản thu nhập.
Công tác thanh tra, kiểm ra, giám sát được tăng cường, đã phát hiện và xử lý nghiêm minh đúng pháp luật các trường hợp tiêu cực, tham nhũng; kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước được siết chặt, hiệu quả công tác quản lý về PCTN ngày càng được nâng cao, đi vào thực chất. Từ đó, việc khởi tố, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng được kịp thời, nghiêm minh, đảm bảo đúng người, đúng tội và đúng pháp luật, góp phần giáo dục, răn đe cán bộ, công chức, viên chức, tạo hiệu quả tích cực trong công tác đấu tranh PCTN.
Vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế trong công tác PCTN
Tuy nhiên, trong thực tế thực hiện có thể thấy hệ thống chính sách, pháp luật về PCTN, khiếu nại, tố cáo chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, nhiều quy định thiếu tính khả thi, còn chồng chéo, mâu thuẫn, dễ bị lợi dụng. Thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực còn sơ hở; chưa giảm được các thủ tục không cần thiết có thể làm nẩy sinh tham nhũng, tiêu cực.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN có lúc chưa thường xuyên, thiếu chiều sâu, còn hình thức; nội dung tuyên truyền chưa trở thành chuyên đề riêng biệt mà chủ yếu lồng ghép với các cuộc hội họp.
Việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng gặp khó khăn như: Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức theo định kỳ khó thực hiện đối với một số đơn vị chỉ có 01 vị trí trong danh mục định kỳ chuyển đổi; các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc trong việc xác định người có nghĩa vụ kê khai, nhất là đối với người giữ chức vụ tương đương (do chưa có quy định cụ thể), người kê khai hiểu khác nhau về nội dung, giá trị tài sản kê khai; một số quy định chưa được Bộ, ngành ban hành văn bản để cụ thể hóa quy định pháp luật PCTN (Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; quy định về danh mục, thời hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành các loại hình doanh nghiệp tư nhân …)…
Ngoài ra, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ, khen thưởng người tố cáo, phản ánh, kiến nghị hành vi tham nhũng, tiêu cực hiện hành chưa hữu hiệu, chưa thực sự khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân dũng cảm đấu tranh với hành vi tiêu cực, tham nhũng, vì vậy tâm lý còn e ngại, nể nang, sợ bị đe dọa, trả thù, trù dập,… chưa thật sự tin tưởng vào sự bảo vệ của chính quyền, của các cơ quan bảo vệ pháp luật, cũng như các đoàn thể xã hội.
Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị về công tác PCTN chưa được quan tâm đúng mức, chưa thực sự chủ động, thường xuyên kiểm tra theo quy định của Luật PCTN để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực ngay trong cơ quan, đơn vị mình; do đó, khi kiểm tra, phát hiện việc công khai không đầy đủ, không công khai thường chỉ dừng ở mức nhắc nhở.
UBND tỉnh An Giang luôn coi công tác PCTN là nhiệm vụ trọng tâm được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm triển khai, chỉ đạo quyết liệt, bài bản để công tác đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả hơn nữa, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong toàn xã hội. Vì vậy, trong thời gian tới UBND tỉnh xác định:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt đầy đủ và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, Công điện số 724/CĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị “về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”…
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và trong các tầng lớp nhân dân nhằm ngày càng nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc về nghĩa vụ và trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng.
Thứ ba, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của các đơn vị gắn với thực hiện dân chủ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các hành vi tiêu cực, tham nhũng và trách nhiệm của người đứng đầu.
Thứ tư, thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế quy chế làm việc; kiểm soát hiệu quả và xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức có hành vi vụ lợi trong thực thi công vụ. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành chính các cấp.
UBND tỉnh cũng kiến nghị các Bộ, ngành sớm ban hành danh mục và thời hạn chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ.
Đồng thời, sớm ban hành Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 21 Luật PCTN và sớm hoàn thành, đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập phục vụ cho công tác kiểm soát.