An Giang:

Phát hiện tài sản tham nhũng gần 3 tỷ đồng qua thanh tra

Thứ hai, 03/07/2023 16:57
(ThanhtraVietnam) - Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, trong 6 tháng đầu năm 2023, thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn đã ban hành 109 văn bản để triển khai, thực hiện các quy định về tăng cường công tác PCTN. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong PCTN, tiêu cực.
leftcenterrightdel
 Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại Hội nghị đánh giá tình hình triển khai, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang. (Ảnh Internet)

Đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các kế hoạch của UBND tỉnh về công tác PCTN; qua đó tăng cường thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là triển khai thực hiện đầy đủ các biện pháp PCTN; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong công tác PCTN.

Trong hoạt động cụ thể đã thực hiện để quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức thực hiện 256 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN với 9.448 lượt người tham dự, trọng tâm là tuyên truyền Luật PCTN năm 2018, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP.

Ngoài ra, thực hiện tuyên truyền pháp luật về PCTN trên hệ thống truyền thanh của huyện, xã, thị trấn và trên các trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị được 37 tin, 52 bài viết, 01 câu chuyện về PCTN; cấp phát 590 tài liệu tuyên truyền pháp luật về PCTN. Qua công tác tuyên truyền tiếp tục nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, của đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân, trước hết là của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác PCTN nhằm góp phần ngăn chặn, phòng ngừa hành vi tham nhũng.

Trong hoạt động, các cơ quan, đơn vị và địa phương thường xuyên niêm yết công khai, minh bạch trong hoạt động về kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị; dự toán, quyết toán kinh phí, ngân sách nhà nước; đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công; công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đào tạo, bồi dưỡng; công tác thi đua, khen thưởng; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; công khai thủ tục hành chính, quy trình, biểu mẫu, hồ sơ, thời hạn giải quyết công việc có liên quan đến tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp…; công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận các ý kiến, phản ánh của người dân và doanh nghiệp về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức nhằm ngăn chặn tiêu cực, nhũng nhiễu. Đã tiến hành kiểm tra tại 14 đơn vị, qua kiểm tra, chưa phát hiện sai phạm.

Thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP; trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 63 người thuộc thẩm quyền quản lý.

Việc thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, năm 2022 có 1.080 người tại 43 cơ quan, đơn vị (thuộc thẩm quyền kiểm soát của Thanh tra tỉnh) đã thực hiện kê khai. Trong đó có 910 trường hợp kê khai hàng năm; 68 trường hợp kê khai lần đầu; 75 trường hợp kê khai bổ sung và 27 trường hợp kê khai phục vụ công tác cán bộ). Thực hiện xác minh tài sản, thu nhập năm 2023, Thanh tra tỉnh đã tiến hành và hoàn thành, công bố kết luận xác minh tài sản, thu nhập đối với 20 người tại 09 cơ quan, đơn vị.

Qua công tác thanh tra đã phát hiện tài sản tham nhũng gần 3 tỷ đồng

Qua 03 cuộc thanh tra, UBND huyện Chợ Mới phát hiện sai phạm trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện các công trình tại UBND các xã: Hội An, Tấn Mỹ, Long Giang, Hòa Bình với tổng số tiền sai phạm 2.187 triệu đồng; đã chuyển hồ sơ các vụ việc sai phạm (03 vụ, 09 đối tượng) sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh xác minh là rõ và xử lý theo quy định.

Ngoài ra, qua thanh tra tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành phát hiện vi phạm trong quản lý thu, chi tài chính của đơn vị với số tiền 744,32 triệu đồng; hiện UBND huyện đã chuyển hồ sơ vụ việc (liên quan 06 đối tượng) sang cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Châu Thành tiếp tục xác minh làm rõ.

Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, qua công tác thanh tra đã phát hiện tổng số tài sản tham nhũng là 2.931,32 triệu đồng, đã thu hồi trên 1.893 triệu đồng, trong đó: Các vụ việc tại huyện Chợ Mới đã thu hồi trên 1.148 triệu đồng; Vụ việc tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành đã thu hồi trên 744 triệu đồng.

Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCTN

Có thể thấy công tác PCTN đã được các cấp ủy, các cấp ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có sự chuyển biến và đạt nhiều kết quả tích cực, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN tiếp tục được đẩy mạnh; các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai đồng bộ, toàn diện và tích cực hơn như: Công khai, minh bạch trong tổ chức hoạt động, cải cách thủ tục hành chính; xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát xung đột lợi ích; kiểm soát tài sản, thu nhập;… Mặt khác, việc tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc thực hiện đã đưa những quy định trên vào thực tiễn và kịp thời ghi nhận những thiếu sót, bất cập trong cơ chế, chính sách để có hướng điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới. Công tác thanh tra ở những lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng được tăng cường; qua đó góp phần ngăn chặn, từng bước loại bỏ dần các điều kiện, cơ hội phát sinh tham nhũng trên các ngành, lĩnh vực.

Công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước trong chống tham nhũng là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Công tác phối hợp thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử được quan tâm, các vụ việc, vụ án tham nhũng đã được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu của xã hội, tạo được lòng tin của Nhân dân với quyết tâm đấu tranh PCTN của Đảng và Nhà nước.

Vai trò, trách nhiệm của xã hội trong đấu tranh phòng ngừa tham nhũng ngày càng được phát huy tốt và đi vào thực chất, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những việc làm được, đến nay vẫn có thể nhận thấy công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN vẫn chưa thường xuyên, liên tục, thiếu chiều sâu, thiếu sự phối hợp giữa các cấp, các ngành; nội dung, hình thức tuyên truyền còn lồng ghép chưa trở thành chuyên đề riêng biệt.

Thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng, từ đó có thể làm nẩy sinh tham nhũng, tiêu cực.

Việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng gặp khó khăn như: Một số quy định chưa được Bộ, ngành ban hành văn bản để cụ thể hóa quy định pháp luật PCTN (Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; Quy định danh mục định kỳ chuyển đổi vị trí công tác);…

Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị về công tác PCTN chưa được quan tâm đúng mức, chưa thực sự chủ động, thường xuyên kiểm tra theo quy định của Luật PCTN để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực ngay trong cơ quan, đơn vị mình.

Cần sớm ban hành quy định cụ thể hóa về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn

Để tăng cường công tác PCTN trong thời gian tới, UBND tỉnh An Giang xác định cần thực hiện một loạt các giải pháp, kiến nghị sau:

Một là, tiếp tục quán triệt đầy đủ và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí và các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của cấp có thẩm quyền về công tác PCTN, tiêu cực thời gian tới;…

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và trong các tầng lớp nhân dân nhằm ngày càng nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc về nghĩa vụ và trách nhiệm trong đấu tranh PCTN, tiêu cực.

Ba là, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của các đơn vị gắn với thực hiện dân chủ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các hành vi tiêu cực, tham nhũng và trách nhiệm của người đứng đầu.

Bốn là, thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế quy chế làm việc; kiểm soát hiệu quả và xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức có hành vi vụ lợi trong thực thi công vụ. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành chính các cấp.

Năm là, phối hợp tốt với các cơ quan của Đảng, cơ quan tư pháp; phát huy vai trò, trách nhiệm, sự tham gia, ủng hộ tích cực của toàn xã hội, khi có thông tin của xã hội và người dân, cơ quan đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng có nhiệm vụ xác minh đầy đủ và kịp thời các nguồn tin và có trách nhiệm trong việc bảo vệ bí mật đối với người tố cáo, tố giác tội phạm.

Đồng thời, kiến nghị các Bộ, ngành ban hành quy định cụ thể hóa về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong từng ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước./.

Vũ Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra