Đồng Nai:

Phát hiện, xử lý tham nhũng 15 vụ với 23 bị can

Thứ ba, 25/10/2022 10:39
(ThanhtraVietnam) – UBND tỉnh Đồng Nai vừa có báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng 9 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh kết quả đạt được, UBND tỉnh cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong thời gian qua như: Công tác phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa cao, một số vụ án tham nhũng còn kéo dài…

Phát hiện tài sản tham nhũng hơn 2,4 tỷ đồng

Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong 9 tháng đầu năm, công tác PCTN trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực hơn trên cả nhận thức, hành động và trong phòng ngừa, xử lý hành vi tham nhũng. Bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý qua hoạt động tự kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo không có vụ nào; việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với nhiều vụ án tham nhũng còn kéo dài; hiệu quả phát hiện, điều tra, truy tố và xử lý tham nhũng chưa cao…

Theo UBND tỉnh, nguyên nhân cơ bản của những hạn chế, yếu kém trên trước hết là do người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa quan tâm đúng mức công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý tham nhũng, chưa ý thức đầy đủ hậu quả của tham nhũng; chưa thực sự coi chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.

Song song với đó là các quy định pháp luật chưa hoàn thiện, có những nội dung chưa phù hợp, khó áp dụng; một số cơ chế, chính sách quản lý kinh tế - xã hội còn sơ hở, chưa theo kịp tình hình thực tiễn. Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, phương tiện làm việc và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ trực tiếp phát hiện, xử lý tham nhũng còn bất cập. Chưa phát huy tốt vai trò giám sát của Nhân dân trong phát hiện và xử lý tham nhũng.

Trong 9 tháng, toàn tỉnh phát hiện, xử lý tham nhũng 15 vụ - 23 bị can; kỳ trước chuyển sang 08 vụ - 16 bị can; phục hồi điều tra 01 vụ - 01 bị can; khởi tố mới trong kỳ 06 vụ- 06 bị can; tổng số tiền, tài sản tham nhũng được phát hiện trong kỳ báo cáo là 2.424.163.236 đồng.

Kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng trong kỳ, gồm: Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp thụ lý 15 vụ - 23 bị can; kỳ trước chuyển sang 08 vụ - 16 bị can; Phục hồi điều tra 01 vụ - 01 bị can; khởi tố mới trong kỳ 06 vụ- 06 bị can. Chuyển VKS truy tố 06 vụ - 17 bị can, tạm đình chỉ 01 vụ - 01 bị can; hiện đang điều tra 08 vụ - 05 bị can. Trong kỳ, Viện kiểm sát nhân dân các cấp thụ lý: 06 vụ - 17 bị can; Tòa án nhân dân các cấp thụ lý: 05 vụ - 06 bị can. Trong kỳ đã xét xử 02 vụ - 02 bị cáo với tổng cộng 23 năm tù về tội danh tham ô. Ngoài ra, còn thu hồi số tài sản tham nhũng  518.000.000 đồng.

leftcenterrightdel

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu xử lý nghiêm đối  với các hành vi liên quan đến tham nhũng (Ảnh: ĐT)

Cũng trong thời gian này, toàn tỉnh thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn đối với 07 đơn vi, gồm: Sở Công thương, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thanh tra tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Xây dựng và Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai.

Ngoài ra, trong kỳ toàn tỉnh đã tiếp nhận 6.806 bản kê khai tài sản, thu nhập (gồm 6.451 bản kê khai tài sản (KKTS) hàng năm; 136 bản KKTS phục vụ công tác cán bộ; 219 bản KKTS bổ sung). Đồng thời, xây dựng kế hoạch để tiến hành xác minh tài sản, thu nhập định kỳ hàng năm (ít nhất chọn 20% số đơn vị và 10% số đối tượng của đơn vị được chọn). Hiện nay Thanh tra tỉnh đang triển khai thực hiện kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập của các đối tương đã được UBND tỉnh phê duyệt...

Trong kỳ, UBND tỉnh chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc động viên nhân dân tham gia tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; phát hiện, kiến nghị cơ quan, tổ chức chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi tham nhũng; giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân

Với kết quả đạt được, cũng như những hạn chế cần khắc phục, UBND tỉnh cũng đã đề ra phương hướng thực hiện trong thời gian tới, đó là: Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Bên cạnh đó, hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng.

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, đã khởi tố theo đúng quy định của pháp luật; chú trọng phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng mới, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương nhất là cấp cơ sở; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, "gợi ý", "lót tay", gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Về nhiệm vụ cụ thể phải thực hiện: Từng bước thực hiện tốt việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thông qua việc kê khai, minh bạch tài sản hàng năm cũng như chủ động hơn nữa trong việc thực hiện xác minh tài sản thu nhập của cán bộ, công chức trên địa bàn khi có biến động bất thường theo hướng tăng cường tính tự giác, chủ động và có những chế tài nghiêm khắc khi để xảy ra sai phạm.

Phát huy vai trò giám sát việc thực thi quyền lực thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra; giám sát của cơ quan dân cử và đại biểu dân cử, của cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, của nhân dân và xã hội.

Cần tăng tính độc lập của hệ thống các cơ quan Thanh tra

Ngoài đề ra phương hướng, giải pháp để thực hiện, UBND tỉnh kiến nghị, đề xuất các cơ quan cấp xem xét một số nội dung để công tác phòng, chống tham nhũng sẽ đi vào thực chất và dễ áp dụng hơn.

Một là, xem xét, đề xuất trình Quốc hội ban hành sửa đổi Luật Thanh tra theo hướng tăng cường tính độc lập của hệ thống các cơ quan Thanh tra nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra.

Hai là, kiến nghị Thanh tra Chính phủ sớm xây dựng hệ thống cơ cở dữ liệu quốc gia về quản lý bản kê khai tài sản, thu nhập; đồng thời đề nghị Thanh tra Chính phủ kiến nghị các cơ quan hướng dẫn rõ đối tượng, nội dung quản lý đối với việc phòng, chống tham nhũng của công ty đại chúng.

Ba là, kiến nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ sớm ban hành quy định  cụ thể cho công tác xác minh tài sản, thu nhập cho phù hợp giữa Quyết định 56-QĐ/TW của Bộ Chính trị và các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng.

Bốn là, kiến nghị các cơ quan Trung ương, Thanh tra Chính phủ tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu cho cán bộ, công chức ngành Thanh tra, như lĩnh vực tài chính, ngân sách, xây dựng cơ bản, đất đai,…; đặc biệt là kỹ năng nghiệp vụ trong việc phát hiện các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh tra.

Đình Thuyết
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra