Phát huy vai trò giám sát của người dân trong đấu tranh chống tham nhũng

Thứ hai, 10/07/2023 16:43
(ThanhtraVietNam) - Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn thành phố Cần Thơ (TP) trong 6 tháng đầu năm 2023 được đẩy mạnh. Qua đó, góp phần tích cực giúp củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ở địa phương.

Ý thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng ngày càng được nâng cao

Về công tác thanh tra, trong 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra tại TP Cần Thơ đã triển khai thực hiện 110 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 55% kế hoạch. Qua thanh tra, kiểm tra, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhiều quy định, cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực, phát hiện vi phạm 2,26 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 954 triệu đồng (đã thu hồi 696 triệu đồng); kiến nghị xử lý khác 1,31 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm 03 tập thể, 52 cá nhân; ban hành 154 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 3,17 tỷ đồng, đã thu nộp ngân sách Nhà nước 1,34 tỷ đồng.

Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, TP đã tiếp 1.072 lượt công dân (giảm 191 lượt so với cùng kỳ) với 1.079 người và không có lượt tiếp đoàn đông người. Tiếp nhận 1.467 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; qua phân loại, xử lý có 499 đơn thuộc thẩm quyền (khiếu nại 53 đơn, tố cáo 08 đơn và phản ánh, kiến nghị 438); đã giải quyết 40/53 đơn khiếu nại, đạt tỷ lệ 75,48%; 08/08 đơn tố cáo, đạt tỷ lệ 100%; 438/438 đơn phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 100%.

Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, TP chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ thị: Chỉ thị số 26/CT-TTg, Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 

Đồng thời, quan tâm chỉ đạo, triển khai, đôn đốc việc thực hiện kết luận, chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Duy trì thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cụ thể, thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch, định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong hoạt dộng tại cơ quan, đơn vị, qụy định rõ ràng và niêm yết công khai thủ tục, trình tự, các loại giấy tờ cần thiết khi người dân đến liên hệ và thời gian giải quyết, trả kết quả, lịch tiếp công dân... Thực hiện nghiêm chuẩn mực xử sự khi thi hành nhiệm vụ, công vụ, chưa xảy ra trường hợp nào vi phạm các quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 67 công chức, viên chức theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP. Thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt; các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn...

leftcenterrightdel
Một góc TP Cần Thơ. (Ảnh minh họa: baocantho.com.vn)

Trong kỳ, TP không có trường hợp người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện tích cực bằng nhiều kênh thông tin với nhiều hình thức phong phú. Qua đó, ý thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng ngày càng được nâng cao trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân.

Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội và các cơ quan báo chí đã phối hợp thực hiện trách nhiệm trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phê phán các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, góp phần tích cực vào việc củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ở địa phương. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP và UBND TP trong công tác phòng, chống tham nhũng. Chỉ đạo tổ chức thực hiện việc thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và hợp tác quốc tế trong PCTN.

Không để phát sinh “điểm nóng” gây phức tạp về an ninh, trật tự

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong 6 tháng cuối năm 2023, TP sẽ tiếp tục triển khai các Đoàn thanh tra theo Kế hoạch năm 2023; nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật; kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm pháp luật.

Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân định kỳ và đột xuất của Thủ trưởng các cấp, các ngành; công khai lịch tiếp công dân trên cổng thông tin điện tử của cơ quan. Giải quyết kịp thời các bức xúc, phản ánh, kiến nghị của công dân ngay từ khi mới phát sinh, không để tạo thành “điểm nóng” gây phức tạp về an ninh, trật tự.

Mặt khác, triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng 2018. Nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận về tham nhũng; tiến hành kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Phát huy vai trò giám sát, phản biện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức đoàn thể trong công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là giám sát của người dân và của cơ quan truyền thông báo chí.

Dương Nguyễn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra