Ủy ban Dân tộc:

Phát huy vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng trong thực hiện phòng, chống tham nhũng

Thứ sáu, 07/10/2022 15:57
(ThanhtraVietNam) - Trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) lãnh đạo Ủy ban Dân tộc luôn quán triệt tinh thần trách nhiệm và nêu gương của người đứng đầu cơ quan đơn vị trong công tác PCTN, trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu nếu để xảy ra tham nhũng trong đơn vị mình trực tiếp quản lý.

Tăng cường thực hiện công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan trong mọi lĩnh vực

Trong giai đoạn 2012-2022, về hoạt động mua sắm tài sản công, quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản..., Ủy ban Dân tộc luôn thực hiện công khai về kế hoạch đấu thầu, mời thầu, ban hành công khai dự án đầu tư xây dựng sau khi có quyết định phê duyệt để cán bộ công chức, viên chức trong cơ quan được tham gia giám sát. Công khai, minh bạch về tài chính và sử dụng ngân sách nhà nước theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn như số liệu dự toán, quyết toán, việc phân bổ và sử dụng ngân sách, tài sản của cơ quan, đơn vị.

Đồng thời, công khai, minh bạch việc quản lý, sử dụng các khoản hỗ trợ, viện trợ, các chương trình, dự án đầu tư phát triển đối với vùng miền núi và dân tộc. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với một số Chương trình, dự án lớn như như Chương trình 135; Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; việc cấp một số ấn phẩm, báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi...; tiếp tục rà soát các văn bản hướng dẫn và ban hành văn bản mới cho phù hợp; đặc biệt là phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong việc triển khai thực hiện các chính sách, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đối với vùng dân tộc và miền núi.

Mặt khác, hằng năm, Ủy ban Dân tộc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản công của Ủy ban Dân tộc. Công khai quá trình xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về công tác dân tộc theo chức năng nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc quản lý.

Phát huy vai trò của toàn xã hội trong PCTN

Trong thời gian qua, Ủy ban Dân tộc luôn phát huy dân chủ để toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực tham gia PCTN trong nội bộ đơn vị cũng như ngoài cơ quan Ủy ban Dân tộc.

Đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, các cơ quan báo chí trực thuộc Ủy ban Dân tộc trong việc tuyên truyền, phố biến cũng như giám sát, phản biện đối với hoạt động PCTN, cụ thể là: Tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên cơ quan thường xuyên tuyên truyền, vận động đoàn viên công đoàn, đoàn thanh niên chấp hành tốt các chính sách, pháp luật về PCTN. Đồng thời, các cơ quan báo, tạp chí, Trung tâm Thông tin trực thuộc Ủy ban tích cực tuyên truyền công tác PCTN

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

Khó khăn trong phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng

Nhìn chung, do làm tốt công tác PCTN, Ủy ban Dân tộc đã không để xảy ra vụ việc tham nhũng nào trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020. Việc thực hiện Chiến lược PCTN luôn được Ban Cán sự Đảng Ủy ban Dân tộc và các cấp Ủy Đảng quan tâm chỉ đạo sát sao, thể hiện qua việc chủ động xây dựng triển khai thực hiện kế hoạch PCTN hằng năm và theo giai đoạn. Trong đó, Thanh tra Ủy ban được giao làm cơ quan thường trực PCTN của Ủy ban Dân tộc.

Bên cạnh đó, Ủy ban Dân tộc luôn đề cao nhận thức và hành động của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, đội ngũ CBCCVC; phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý về công tác cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, thi đua khen thưởng, quản lý sử dụng kinh phí, tài sản nhà nước...; tăng cường trách nhiệm trong việc chỉ đạo điều hành, kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ, công vụ thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban Dân tộc.

Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, việc chỉ đạo, điều hành trong công tác PCTN tại các vụ, đơn vị vẫn còn lúng túng, sự phối hợp giữa chi bộ, công đoàn và đơn vị chuyên môn chưa nhịp nhàng, một số đơn vị thực hiện còn chậm. Công tác tuyên truyền phổ biến và giáo dục pháp luật về phát hiện, xử lý tham nhũng ở một số cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên, liên tục; nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến chưa hấp dẫn và lôi cuốn, thiếu kinh phí để thực hiện. Công tác kiểm tra, giám sát, nhất là tự kiểm tra nội bộ về PCTN chưa sâu, chưa triệt để, số cuộc thanh tra, kiểm tra hằng năm còn hạn chế.

Bên cạnh đó, một số lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng như đầu tư xây dựng cơ bản, các chương trình, dự án; mua sắm tài sản công các văn bản hướng dẫn còn sơ hở thiếu đồng bộ, chậm được sửa đổi bổ sung. Hành vi, thủ đoạn tham nhũng ngày càng tinh vi nhưng trình độ của cán bộ làm công tác PCTN còn hạn chế. Do đó việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng gặp nhiều khó khăn. Việc đấu tranh phê và tự phê bình trong nội bộ có lúc có nơi chưa thật sự mạnh dạn và thường xuyên để phát hiện hành vi tham nhũng.

Với thực tiễn 10 năm (giai đoạn 2012-2022) triển khai các giải pháp, Ủy ban Dân tộc đã đưa ra những bài học kinh nghiệm để phát huy tối đa hiệu quả trong công tác PCTN, tiêu cực. Cụ thể:

Một là, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp Ủy đảng, phát huy vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng các vụ, đơn vị, nâng cao vai trò của các tổ chức đoàn thể trong thực hiện PCTN. Đây là giải pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả của việc phát hiện, xử lý vụ việc tham nhũng (nếu có).

Hai là, thực hiện tốt công tác phổ biến, tuyên truyền về Luật PCTN, nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ đảng viên trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng.

Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, có thành tích trong công tác đấu tranh PCTN.

Dương Nguyễn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra