Quảng Bình: Quyết liệt ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực

Thứ ba, 12/12/2023 12:18
(ThanhtraVietNam) - Triển khai thực hiện Nghị quyết số 168/NQ-CP của Chính phủ về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) đến năm 2030 (Chiến lược), UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với mục tiêu từng bước phát huy những thành quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế của địa phương; quyết liệt ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Bình kỷ cương, liêm chính, phát triển.

Thực hiện Chiến lược theo hai giai đoạn

Kế hoạch số 2454/KH-UBND ngày 28/11/2023 của UBND tỉnh Quảng Bình xác định PCTN, TC là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, được tiến hành mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đặc biệt, lấy phòng ngừa là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa, phát hiện, xử lý và sử dụng đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự.

Gắn PCTN, TC với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiểm soát quyền lực nhà nước, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, củng cố niềm tin của Nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Triển khai kịp thời, có hiệu quả các chương trình hợp tác quốc tế của các cấp, các ngành có thẩm quyền và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm tốt về PCTN, TC.

Chiến lược quốc gia PCTN, TC đến năm 2030 được UBND tỉnh Quảng Bình thực hiện theo hai giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất (từ năm 2023 đến năm 2026): Tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, tập trung nghiên cứu, rà soát để đề xuất các nhiệm vụ cụ thể sửa đổi, bổ sung khắc phục những sơ hở bất cập của pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, TC trong chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội Khóa XV, Khóa XVI.

Giai đoạn thứ 2 (từ năm 2026 đến năm 2030): Phát huy những kết quả đã đạt được trong giai đoạn thứ nhất. Trên cơ sở sơ kết, căn cứ yêu cầu của công tác PCTN và tình hình thực tiễn xây dựng Kế hoạch cụ thể để thực hiện Chiến lược giai đoạn 2026 - 2030 và đẩy mạnh thực hiện toàn diện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược.

5 nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện Chiến lược

Để triển khai kịp thời, hiệu quả Chiến lược, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, Kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Bình đã đề một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau:

Một là, hoàn thiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, TC.

Trong đó, nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, TC trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quá trình tham mưu ban hành, sửa đổi, bổ sung, thu hồi, đình chỉ, gia hạn, bãi bỏ, tổ chức thực hiện các quyết định hành chính.

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện.

Rà soát, đề xuất cụ thể hóa quy định về trách nhiệm thủ trưởng các cấp, các ngành và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tổ chức thực hiện các biện pháp PCTN, TC ở các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương do mình quản lý, phụ trách.

leftcenterrightdel
Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính là một trong những nhiệm vụ, giải pháp được UBND tỉnh Quảng Bình triển khai thực hiện. (Ảnh minh họa: Minh Nguyệt)

Hai là, kiện toàn tổ chức bộ máy, hoàn thiện chế độ công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.

Rà soát, tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước các cấp; đề xuất đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, quy định cụ thể, có cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, kỷ cương, liêm chính, đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đi cùng với đó, thực hiện nghiêm quy định, cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách; chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền đổi mới chính sách tiền lương đối với công chức, viên chức, chế độ công vụ. Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm đối với người vi phạm trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh công khai và minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia vào quy trình ra quyết định và giám sát hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình nghiệp vụ của các cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, không chồng chéo. Có chính sách đãi ngộ hợp lý cho những người làm công tác PCTN, TC yên tâm công tác, vững vàng trong thực hiện nhiệm vụ.

Thực hiện các quy định bảo đảm cho việc thu hồi, tịch thu triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát do tham nhũng, tiêu cực. Xây dựng, khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng, hành vi tẩu tán tài sản.

Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực và thu hồi tài sản.

Bốn là, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và trách nhiệm của xã hội trong PCTN, TC.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả các phương thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, TC; tạo điều kiện để Nhân dân tích cực, chủ động tham gia vào công tác PCTN, TC nhằm từng bước xây dựng và hình thành văn hóa liêm chính trong xã hội.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, báo chí trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về PCTN, TC.

Thực hiện khen thưởng, bảo vệ người phản ánh, báo cáo, tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó, xử lý nghiêm cá nhân cố ý phản ánh, báo cáo, tố cáo sai sự thật để vu khống, gây rối, làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể, cá nhân.

Năm là, tích cực tham gia, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về PCTN; thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ theo Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

Theo đó, tăng cường nâng cao hiệu quả các chương trình hợp tác quốc tế về PCTN, nhất là trong phối hợp, chia sẻ thông tin, thực hiện các biện pháp ngăn chặn nhằm thu hồi tài sản bị tẩu tán hoặc truy bắt tội phạm tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài… Tham gia đầy đủ các chương trình, kế hoạch của cấp có thẩm quyền nhằm nâng cao hiệu quả thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng theo hướng tích cực, chủ động, thực chất, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong phòng, chống tham nhũng.

Ngoài ra, nghiên cứu, đề xuất tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về PCTN phù hợp với tình hình thực tiễn./.

Minh Nguyệt
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra