Sở Tài chính là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về tài chính; ngân sách nhà nước; nợ chính quyền địa phương, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước; tài sản công; các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; đầu tư tài chính; tài chính doanh nghiệp; kế toán; kiểm toán độc lập; lĩnh vực giá và các hoạt động dịch vụ tài chính tại địa phương theo quy định của pháp luật.
Những năm qua, Sở đã luôn bám sát định hướng, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Tài chính, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố và sự nỗ lực phấn đấu của công chức, viên chức các phòng, đơn vị trực thuộc, Sở Tài chính hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - ngân sách; chất lượng công tác tham mưu, giải quyết công việc được nâng lên; cải cách thủ tục hành chính, kỷ luật, kỷ cương tài chính từng bước được tăng cường, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Tài chính tỉnh Ninh Bình luôn xác định việc kê khai và kiểm soát việc kê khai là giải pháp quan trọng trong công tác PCTN. Do vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung của Chỉ thị là hết sức quan trọng nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc kê khai tài sản, thu nhập góp phần thực hiện tốt công tác PCTN tại cơ quan Sở Tài chính nói riêng và trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nói chung.
Căn cứ Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh, Sở Tài chính đã tổ chức triển khai, quán triệt kịp thời các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập đến toàn thể công chức, viên chức và người lao động thuộc Sở lồng ghép thông qua các hội nghị, hệ thống mạng nội bộ Ioffice và trang thông tin điện tử của Sở.
Trong thời gian qua, Sở đã ban hành 15 văn bản triển khai thực hiện và tổ chức lồng ghép thông qua hội nghị giao ban, sơ kết, tổng kết với 597 lượt người tham dự; ban hành kế hoạch triển khai thực hiện; quyết định phê duyệt danh sách cán bộ, công chức, viên chức có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập và thực hiện việc công khai theo quy định. Từ năm 2014 đến nay, Sở Tài chính đã thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập đối với 641 lượt công chức, viên chức theo đảm bảo quy định. 571 bản kê khai được công khai bằng hình thức niêm yết và 70 bản được công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp.
Nhìn chung, thời gian qua, các quy định của pháp luật đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, Sở Tài chính Ninh Bình đã triển khai thực hiện có hiệu quả việc kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của công chức, viên chức theo quy định.
Tuy nhiên, việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập của một số cá nhân đôi khi còn mang tính hình thức, chưa giải trình rõ ràng về nguồn gốc tài sản tăng thêm. Nguyên nhân là do nhận thức của một số công chức, viên chức về việc kê khai tài sản, thu nhập còn chung chung, chưa hiểu rõ, chi tiết về nội dung, cách thức, thời gian, thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập. Một số cá nhân gặp khó khăn trong việc kê khai những tài sản khó xác định được giá trị tài sản, tài sản chung riêng, khó tách bạch.
Qua thực tế công tác kiểm tra, giám sát kê khai tài sản tại Sở cũng như những vấn đề còn tồn tại, bất cập, để thực hiện có hiệu quả việc kê khai tài sản, thu nhập của các đối tượng thuộc diện phải kê khai theo quy định, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp như sau:
Một là, tiếp tục sửa đổi, bổ sung đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập sát với thực tế, không quá rộng dẫn đến khó quản lý, khó kiểm soát và khai thác, sử dụng các dữ liệu về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai cho công tác PCTN.
Hai là, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện kê khai tài sản, thu nhập và báo cáo theo quy định. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu về minh bạch tài sản, thu nhập nhằm giải quyết các vấn đề như: Hướng dẫn kê khai; quản lý tuân thủ kê khai; kiểm tra, xác minh nội dung; quản lý truy cập thông tin kê khai; phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc đảm bảo kê khai…góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Chỉ thị số 33 CT/TW, ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP; Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.
Bốn là, tăng cường lãnh đạo và tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện quy định của Đảng và Nhà nước về kê khai, công khai tài sản, thu nhập; tổ chức thực hiện tốt kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2023. Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân chậm tổ chức việc kê khai; không kê khai, công khai, không nộp bản kê khai, kê khai không trung thực; giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực...
Năm là, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác PCTN nhất là kiến thức và kỹ năng kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn./.