Tăng cường thanh tra, phát hiện, xử lý tham nhũng

Thứ sáu, 28/04/2023 16:00
(ThanhtraVietNam) - Ngay từ những tháng đầu năm 2023, các cấp, các ngành trong tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều nhiệm vụ theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, nhất là các nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 08/02/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng tập trung xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác phòng, chống tham nhũng và tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành về công tác phòng, chống tham nhũng; triển khai công tác thanh tra trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo với công tác phòng, chống tham nhũng, đồng thời xây dựng Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hàng năm theo nội dung Công văn số 2220/TTCP-C.IV ngày 15/12/2022 của Thanh tra Chính phủ về việc định hướng, xác minh tài sản thu nhập năm 2023.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

Phát hiện 04 vụ việc/11 đối tượng có dấu hiệu hành vi tham nhũng

Trên cơ sở triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng, Quý I/2023, Thanh tra các cấp, các ngành trên toàn tỉnh tổ chức thực hiện 21 cuộc thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN (quý IV năm 2022 chuyển qua 09 cuộc, triển khai trong kỳ 12 cuộc). Đã kết thúc và ban hành kết luận 07 cuộc, đang tiếp tục triển khai 14 cuộc. Qua hoạt động thanh tra, chưa phát hiện hành vi tham nhũng.

Qua hoạt động điều tra, cơ quan chức năng phát hiện 04 vụ việc/11 đối tượng có dấu hiệu hành vi tham nhũng với tổng số tiền 449.211.700 đồng. Cụ thể: Thông qua công tác điều tra xử lý tội phạm tham nhũng của ngành Công an có tổng số án thụ lý điều tra: 07 vụ/16 bị can (Quý IV/2022 chuyển sang 02 vụ/04 bị can, khởi tố mới 04 vụ/11 bị can, điều tra bổ sung 01 vụ/01 bị can). Ngành Công an tỉnh Đắk Lắk đã chuyển Viện Kiểm sát tỉnh đề nghị truy tố 04 vụ/11 bị can có dấu hiệu hành vi tham nhũng với tổng số tiền 449.211.700 đồng; đang tiếp tục điều tra: 03 vụ/05 bị can. Tòa án tỉnh Đắk Lắk đang thụ lý 03 vụ án tham nhũng/04 bị cáo, hiện đã xử lý 02 vụ/03 bị cáo, còn 01 vụ đang giải quyết.

Công tác phòng, chống tham nhũng tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương còn thiếu quyết liệt

Mặc dù kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 đã được UBND tỉnh triển khai đến các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức doanh nghiệp khu vực nhà nước, ngoài nhà nước nhưng các tổ chức, đơn vị chưa xây dựng kế hoạch phòng, chống tham nhũng, chưa thực hiện báo cáo định kỳ về công tác phòng, chống tham nhũng, chưa thực hiện kê khai tài sản thu nhập theo quy định; chưa tổ chức xây dựng kế hoạch thanh tra trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng của thủ trưởng các tổ chức chính trị - xã hội và các công ty đại chúng do chủ tịch UBND tỉnh thành lập hoặc cấp giấy phép hoạt động.

Công tác phòng, chống tham nhũng tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn thiếu quyết liệt; kết quả của công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa cao. Các vụ việc tham nhũng phát hiện qua thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được cập nhật báo cáo kịp thời; chưa xử lý trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị để xảy ra tham nhũng.

Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng

Để thực hiện được mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng. Tập trung hoàn thiện, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; tăng cường thanh tra, phát hiện, xử lý tham nhũng.

Tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành quán triệt và triển khai thực hiện đồng bộ công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực gắn với phòng, chống tham nhũng; ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng theo quy định của pháp luật; kiểm soát xung đột lợi ích, phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước; nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ các quy định theo thẩm quyền về quản lý kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, tăng cường phát hiện hành vi tham nhũng qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý các hành vi tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao, như: Quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng, đất đai, môi trường, tiếp nhận và bổ nhiệm cán bộ; quản lý, sử dụng vốn, tài sản, tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Tiếp tục cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra trách nhiệm đối với người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng nhằm tăng cường phát hiện, kiến nghị xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với người có hành vi tham nhũng; xử lý nghiêm trách nhiệm đối với tập thể, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nếu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Các cơ quan Kiểm tra, Thanh tra, Công an, Kiểm sát, Tòa án, Thi hành án kịp thời áp dụng các biện pháp cần thiết, như thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong tỏa tài khoản ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử; tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử và xử lý tài sản liên quan đến tham nhũng để người phạm tội không có cơ hội, điều kiện thực hiện việc che giấu, tẩu tán tài sản nhằm thu hồi triệt để tài sản tham nhũng cho Nhà nước.

Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường giám sát đối với việc thực thi trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước và người có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng nói chung và trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nói riêng; đề cao vai trò giám sát của Nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực./.

K. Dung
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra