Đồng Tháp:

Tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã đưa vào diện theo dõi

Thứ năm, 23/03/2023 09:40
(ThanhtraVietNam) - Đó là yêu cầu của đồng chí Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với Tỉnh uỷ Đồng Tháp về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm Trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với Tỉnh uỷ Đồng Tháp.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh Đồng Tháp thời gian qua tiếp tục được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được một số kết quả quan trọng, từng bước gắn kết giữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực của tỉnh có nhiều chuyển biến.

leftcenterrightdel
Đồng chí Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Ủy viên BCD9TW về PCTN,TC phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: ĐT) 

Nổi bật là trong năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 05 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Đồng Tháp là một trong những địa phương thành lập sớm nhất Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc của các cấp uỷ đảng đối với công tác này.

Ngoài ra, các cấp ủy, các ngành trong tỉnh cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện khá toàn diện, đầy đủ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là việc công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị tại địa phương, việc thực hiện cải cách hành chính, đổi mới công nghệ trong quản lý.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương vẫn còn có những tồn tại, việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn có những hạn chế.

Do đó, bà Lê Thị Nga đề nghị Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh và các cơ quan hữu quan tỉnh Đồng Tháp tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương; phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được; tập trung chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khắc phục những hạn chế, bất cập; chỉ đạo xử lý dứt điểm những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo./.

Đình Thuyết
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra