Kon Tum:

Tập trung quản lý ở tất cả các lĩnh vực để phòng ngừa tham nhũng

Thứ ba, 28/02/2023 19:42
(ThanhtraVietNam) - Qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đối với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), UBND tỉnh Kon Tum dự báo thời gian tới, số việc tham nhũng không tăng. Tuy nhiên, để tăng cường công tác phòng ngừa tham nhũng, các ngành, các cấp cần tập trung quản lý ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ nảy sinh hành vi tiêu cực, tham nhũng.

Chú trọng công tác chỉ đạo và tuyên truyền

Những năm qua, UBND tỉnh Kon Tum đã tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về PCTN. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai công tác PCTN và thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2022; kế hoạch kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập năm 2022; kế hoạch đánh giá công tác PCTN năm 2021 của tỉnh; hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh thực hiện công tác PCTN… Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác PCTN trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện các nhiệm vụ, chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 314/KH-UBND ngày 29/4/2022 để triển khai thực hiện; xây dựng báo cáo tình hình, kết quả việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phát hiện, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực; báo cáo tổng kết 10 năm công tác PCTN, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Để nâng cao hiệu quả công tác PCTN, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh thường xuyên rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý kinh tế - xã hội phục vụ công tác PTCN, như: Công tác cải cách hành chính; quản lý, sử dụng đất đai; hoạt động mua sắm công; công tác thu chi ngân sách; quản lý, sử dụng kinh phí chương trình mục tiêu, chương trình quốc gia… Qua đó, kịp thời bãi bỏ những quy định không phù hợp, ban hành và công bố đầy đủ các thủ tục hành chính mới khi có sự thay đổi về chính sách, pháp luật.

Từ ngày 01/8/2021 đến 31/7/2022, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã phát hiện 08 vụ việc có liên quan đến tham nhũng.

Đồng thời, các cơ quan chức năng đã phát hiện và khởi tố 04 vụ án, 03 bị can về hành vi tham nhũng.

Tổng tiền, tài sản tham nhũng đã phát hiện là trên 7,5 tỷ đồng.

Đáng chú ý, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN tiếp tục được các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện gắn với việc thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…

Từ ngày 01/8/2021 đến 31/7/2022, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 548 cuộc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật về PCTN tới 42.790 lượt người tham gia bằng nhiều hình thức, như: Tổ chức lớp tập huấn, lồng ghép nội dung PCTN trong các đợt tuyên truyền pháp luật, các buổi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên môn, học tập chuyên đề, đăng tải và cấp phát tài liệu tuyên truyền pháp luật về PCTN…, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân vào quyết tập PCTN.

UBND tỉnh đã thực hiện tổng kết Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN giai đoạn 2019-2021” trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Thanh tra tỉnh đã phân bổ tài liệu tuyên truyền pháp luật về PCTN do Thanh tra Chính phủ cấp phát trên địa bàn tỉnh; triển khai cuộc thi tìm hiểu pháp luật về PCTN. Sở Tư pháp đã biên tập 01 tập tài liệu phổ biến một số quy định của Luật PCTN năm 2018 gửi các ngành, địa phương tham khảo, lựa chọn, sử dụng; biên soạn 01 tài liệu nội dung phát thanh tìm hiểu pháp luật PCTN dưới dạng hỏi - đáp pháp luật để cung cấp tài liệu cho Phòng Tư pháp các huyện, thành phố tham khảo, sử dụng làm tài liệu phục vụ phổ biến trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở…

Thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng

UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện công khai, minh bạch theo quy định của Luật PCTN. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xây dựng danh mục các nội dung công khai, minh bạch để áp dụng. Đồng thời, tiếp tục thực hiện công khai theo quy định của pháp luật đối với việc mua sắm công; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý tài chính, ngân sách; quản lý, sử dụng các khoản hỗ trợ, viện trợ, huy động; quản lý đất đai, tài sản công; công tác tổ chức, cán bộ…; công khai số điện thoại đường dây nóng của người có thẩm quyền trong việc tiếp nhận các ý kiến phản ánh của tổ chức, công dân; công khai kết luận, kết quả xử lý các vụ việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và PCTN trên Trang thông tin điện tử của đơn vị và thông qua các phương tiện thông tin truyền thông.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Kon Tum diễn ra tháng 8/2022. (Ảnh: baokontum.com.vn)

Đặc biệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính. Nhìn chung các đơn vị đã chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; tuy nhiên một số đơn vị có cá nhân vi phạm về giờ giấc làm việc, nghỉ không có lý do, vi phạm nội quy đơn vị… Kết quả, đã kịp thời đề nghị đơn vị chấn chỉnh, khắc phục hạn chế; tiến hành kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với 08 cá nhân vi phạm (hình thức cảnh cáo: 04 cá nhân; khiển trách: 02 cá nhân; buộc thôi việc: 02 cá nhân). Qua thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác tại một số cơ quan, đơn vị chưa phát hiện trường hợp nào tặng quà, nhận quà, sử dụng quà tặng sai quy định.

Từ ngày 01/8/2021 đến 31/7/2022, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác đối với 206 cán bộ, công chức, viên chức.

Trong kỳ kê khai tài sản, thu nhập năm 2021, có 53 cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tổ chức việc kê khai với tổng số 5.682 người phải kê khai. Kết quả, có 5.682 người đã thực hiện kê khai (đạt 100%). Thanh tra tỉnh đã tiếp nhận 9.714 bản kê khai tài sản, thu nhập; đã bàn giao cho Thanh tra Chính phủ các bản kê khai tài sản, thu nhập lần đầu và hằng năm của các cán bộ thuộc thẩm quyền kiểm soát của Thanh tra Chính phủ. Các bản kê khai tài sản, thu nhập được công khai đầy đủ.

Về cải cách hành chính, hiện nay tỉnh Kon Tum đã xây dựng mô hình một cửa hiện đại tại tất cả 03 cấp tỉnh, huyện, xã (10/10 huyện, thành phố; 102/102 đơn vị cấp xã và 19/19 sở, ban, ngành tại Trung tâm Hành chính công tỉnh). Đồng thời, trên địa bàn tỉnh có 1.258 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 196 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 1.062 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; đạt tỷ lệ 71,31% trên tổng số thủ tục hành chính toàn tỉnh; đã tích hợp công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia 1.020 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, đạt tỷ lệ 57,82% trên tổng số thủ tục hành chính.

Tự kiểm tra, phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu

UBND tỉnh Kon Tum đánh giá, mặc dù UBND tỉnh đã thực hiện đầy đủ và hoàn thành tốt các nhiệm vụ chủ yếu trong công tác PTCN, tuy nhiên công tác PCTN là nhiệm vụ hết sức phức tạp, khó khăn, cần có sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị.

Việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực (tham nhũng vặt) trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được phát hiện và xử lý; việc thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp.

Bên cạnh đó, việc phát hiện các hành vi tham nhũng qua thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn ít. Các tài liệu, chứng cứ phát hiện qua thanh tra chuyển cơ quan điều tra chưa đủ điều kiện để khởi tố vụ án hình sự hoặc phải tạm đình chỉ giải quyết kiến nghị khởi tố. Việc triển khai thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn vướng mắc, lúng túng, như: Kê khai tài sản và xác minh tài sản, thu nhập; kiểm soát xung đột lợi ích; PCTN khu vực ngoài nhà nước…

Chính vì vậy, UBND tỉnh Kon Tum xác định, công tác PCTN trong thời gian tới là một nhiệm vụ chính trị được thực hiện thường xuyên, liên tục, lâu dài; biện pháp triển khai phải cụ thể, thực hiện các giải pháp PCTN gắn với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đặc biệt, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân trong công tác PCTN.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ PCTN, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế, UBND tỉnh Kon Tum tiếp tục thường xuyên giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức về lối sống, đạo đức cho cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân.

Mặt khác, xây dựng kế hoạch công tác PCTN hàng năm, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị; thường xuyên theo dõi, đôn đóc việc triển khai thực hiện kế hoạch. Tăng cường thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện pháp luật về PCTN, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các kênh thu thập thông tin về tham nhũng, tiêu cực./.

Minh Nguyệt
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra