Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí góp phần từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng

Thứ ba, 14/03/2023 19:59
(ThanhtraVietNam) - UBND thành phố Cần Thơ luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Thực hiện tốt công tác công khai tài chính

Trong năm 2022, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn Thành phố đã ban hành Chương trình/Kế hoạch THTK, CLP năm 2022 để triển khai thực hiện. UBND Thành phố đã chủ động báo cáo HĐND Thành phố ban hành nhiều văn bản quy định về tiêu chuẩn, chế độ, định mức theo thẩm quyền để triển khai thực hiện thống nhất trên địa bàn Thành phố. Phân bổ dự toán chi ngân sách năm 2022 cho các cơ quan, đơn vị địa phương đảm bảo theo cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và định mức phân bổ ngân sách, trong đó chú trọng tiết kiệm ngay từ khâu phân bổ dự toán.

Từng cấp ngân sách đã chủ động xây dựng phương án cắt giảm chi ngân sách và điều hành dự toán trong điều kiện do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid- 19 để đảm bảo cân đối ngân sách và thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn toàn Thành phố. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đã quan tâm triển khai thực hiện tốt các cơ chế quản lý tài chính, đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ cho các cơ quan, đơn vị, xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ cụ thể, rõ ràng, công khai các định mức, tiêu chuẩn chế độ chi tiêu, sử dụng ngân sách, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức giám sát, xây dựng phương án chi trả thu nhập, thực hiện tốt công tác công khai tài chính, góp phần cải tiến lề lối làm việc và cải cách hành chính, qua đó đã góp phần từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực.

Riêng về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát THTK, CLP và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về THTK, CLP, tuy chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng các cơ quan thanh tra, kiểm tra vẫn linh hoạt triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị, địa phương theo kế hoạch được duyệt và thực hiện các cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của các cơ quan có thấm quyền. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã góp phần tác động tích cực đến nhận thức, hành động của đơn vị và người đứng đầu các đơn vị về công tác điều hành quản lý tài chính, ngân sách, quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản, công tác THTK, CLP.

leftcenterrightdel
 Thành phố Cần Thơ (ảnh minh họa)

Năm 2022, Thành phố đã triển khai 234 cuộc thanh tra, kiểm tra, vượt 17% kế hoạch năm (200 cuộc), tăng 38 cuộc so với năm 2021 (trong đó có 98 cuộc thanh tra hành chính và 136 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành). Qua thanh tra, kiểm tra, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhiều quy định, cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực, phát hiện vi phạm 11,5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 9,3 tỷ đồng (đã thu hồi 5,83 tỷ đồng); kiến nghị xử lý khác 2,2 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm 132 tập thể và 450 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 06 vụ; ban hành 668 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 5,28 tỷ đồng, đã thu nộp ngân sách Nhà nước 4,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, các cơ quan thanh tra đã triển khai thanh tra trách nhiệm thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Phòng, chống tham nhũng đối với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị. Qua thanh tra đã yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tích cực chủ động thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyêt khiếu nại, tố cáo, chấn chỉnh đối với cơ quan, đơn vị chưa thực hiện tốt trách nhiệm hoặc chưa quan tâm đúng mức đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng nhằm góp phần thực hiện tốt công tác THTK, CLP.

Một số tồn tại, hạn chế trong việc triển khai THTK, CLP

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai THTK, CLP trên địa bàn Thành phố thời gian qua vẫn còn một số tồn hại, hạn chế. Cụ thể, việc xây dựng nội dung chương trình THTK, CLP của các cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn còn chung chung, chưa xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá tiết kiệm để đánh giá, lượng hóa được kết quả thực hiện và đề ra biện pháp THTK, CLP. Chưa đề cao vai trò và trách nhiệm người đứng đầu cơ quan và cán bộ công chức, viên chức trong việc THTK, CLP.

Việc chấp hành Luật Đầu tư công tuy đã dược quan tâm triển khai thực hiện nhưng những hạn chế trong quá trình quản lý tài chính đầu tư vẫn còn xảy ra. Qua công tác thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành, thanh tra các dự án đầu tư xây dựng cơ bản tại các đơn vị, địa phương, hầu hết đều có vi phạm trong công tác phê duyệt dự án, thẩm định, lập dự toán sai tiêu chuẩn, định mức công tác nghiệm thu thiếu chặt chẽ, thi công ở một số hạng mục không đúng với thiêt kế được duyệt, áp dụng định mức thanh toán chưa phù hợp theo quy định...

Việc quản lý, sử dụng tài sản công ở một số cơ quan, đơn vị còn lỏng lẻo, chưa tuân thủ đúng quy định hiện hành của nhà nước. Trong mua sắm tài sản, trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn, vẫn còn có trường hợp xây dựng phương án mua sắm chưa sát với nhu cầu thực tế, đề xuất giá mua sắm còn tương đối cao so với mặt bằng giá trên thị trường, dẫn đến nguy cơ gây thất thoát ngân sách. Việc thực hiện xã hội hoá lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công còn chậm; cơ chế hợp tác công - tư còn khó khăn trong triển khai thực hiện do chưa có cơ sơ pháp lý...

Công khai kết quả thanh tra tạo điều kiện cho người dân giám sát, phát hiện và phản ánh hành vi lãng phí.

Để khắc phục những mặt còn hạn chế, cũng như phát huy những kết quả tích cực đạt được, UBND Thành phố đã đề ra một số giải pháp năm 2023. Cụ thể, căn cứ chỉ đạo của Thành ủy, Chương trình THTK, CLP của Thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cấp thành phố, Chủ tịch UBND cấp huyện theo lĩnh vực và phạm vi quản lý, chịu trách nhiệm xây dựng Chương trình THTK, CLP của đơn vị, cấp quản lý theo hướng quy định cụ thể các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm. Chỉ đạo thống nhất việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm đã ban hành, phân công rõ ràng trách nhiệm của từng đơn vị, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức để thực hiện có hiệu quả.

Thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong THTK, CLP. Tiếp tục thực hiện phân cấp quản lý đầu tư xây dựng cơ bản cho các đơn vị, địa phương phù hợp với năng lực quản lý. Quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm của Chủ đầu tư trong quản lý các khâu của quá trình đầu tư xây dựng cơ bản đối với từng công trình, dự án nhằm hạn chế thất thoát ngân sách nhà nước.

Nâng cao hơn nữa trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, điều hành và sử dụng ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh công tác tự kiểm tra nội bộ trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị để kịp thời phát hiện những trường hợp lãng phí, sử dụng tiền, tài sản nhà nước sai quy định và chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

Tăng cường quản lý nhà nước trong mua sắm phương tiện đi lại và trang thiết bị làm việc theo hướng đúng tiêu chuẩn, chế độ và phục vụ thiết thực cho yêu cầu công tác. Tiếp tục thực hiện việc rà soát, sắp xếp lại nhu cầu sử dụng tài sản nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ. Thực hiện việc rà soát lại công tác cán bộ, quản lý chặt chẽ thời gian lao động, kiểm tra, giám sát chất lượng, bảo đảm năng suất, hiệu quả công việc và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về THTK, CLP, công khai kết quả thanh tra, kiểm tra theo quy định để tạo điều kiện cho người dân giám sát, phát hiện và phản ánh cho cơ quan có thẩm quyền về hành vi lãng phí. Xây dựng chế độ khen thưởng, xử phạt hành chính nghiêm minh trong việc THTK, CLP.

 

Dương Nguyễn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra