Tổ chức có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng
6 tháng đầu năm 2023, công tác tuyên truyền, giáo dục PCTN,TC trên địa bàn TP được triển khai thực hiện, có sự phối hợp giữa cơ quan, đơn vị; nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong đấu tranh PCTN,TC.
Cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; nghiêm túc công khai, minh bạch các hoạt động liên quan đến: Tài chính ngân sách, đất đai, xây dựng cơ bản, mua sắm công, tổ chức cán bộ đúng quy định. Cụ thể, các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong hoạt động tại cơ quan, đơn vị mình quản lý theo quy định; quy định rõ ràng và niêm yết công khai các quy định về thủ tục, trình tự, các loại giấy tờ cần thiết khi người dân đến liên hệ và thời gian giải quyết, trả kết quả, lịch tiếp công dân; công khai việc phân bố dự toán của các cấp, các cơ quan và kết quả sử dụng kinh phí ngân sách, sử dụng tài sản, trang thiết bị, mua sắm trang thiết bị, việc sử dụng kinh phí tiết kiệm được trong cơ quan, đơn vị mình hàng tháng, quý.
Việc kiểm soát tài sản, thu nhập đã được triển khai và tổ chức thực hiện theo đúng Luật PCTN năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP; việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, bố trí cán bộ, công chức đúng theo quy định tại Nghị định số 59/2019/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương đã tăng cường và nâng cao chất lượng trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; tích cực triển khai công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch; đồng thời, đề ra nhiều biện pháp, giải pháp để hạn chế các hành vi tham nhũng, tiêu cực xảy ra.
Một số hạn chế trong công tác PCTN, TC
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác PCTN, TC vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, khó khăn. Cụ thể, công tác tuyên truyền pháp luật về PCTN,TC tại nhiều đơn vị, địa phương chưa đạt hiệu quả cao, chưa đi vào chiều sâu. Bên cạnh đó, còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa nhận thức đầy đủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực, nên thiếu tính tự giác chấp hành. Công tác PCTN trong các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước được khuyến khích thực hiện nhưng chưa đem lại hiệu quả tích cực.
Công tác đánh giá PCTN hàng năm được triển khai thực hiện, nhưng vẫn còn một vài cơ quan, đơn vị chưa cung cấp đầy đủ tài liệu theo Bộ chỉ số và Tài liệu hướng dẫn đánh giá công tác PCTN của Thanh tra Chính phủ.
Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng phát huy hiệu quả còn hạn chế. Cụ thể, việc kê khai tài sản, thu nhập chưa kê khai theo hướng dẫn, việc kiểm soát xung đột lợi ích, công tác tự kiểm tra nội bộ được triển khai thực hiện nhưng hiệu quả đạt được chưa cao.
Ngoài ra, việc bố trí công chức thực hiện nhiệm vụ PCTN, TC ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương được quan tâm nhưng vẫn còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra và chủ yếu là kiêm nhiệm.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong đấu tranh PCTN, TC
Trong 6 tháng cuối năm 2023, TP tiếp tục triển khai hiệu quả Luật PCTN năm 2018 và các văn bản có liên quan. Đồng thời, triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND TP về công tác PCTN, TC. Thường xuyên thực hiện công tác rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về PCTN, cơ chế, chính sách, chế độ, định mức để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cho phù hợp tình hình thực tế.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quan tâm đúng mức việc tổ chức triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN; trọng tâm là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng như: Lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai (phân lô bán nền, bồi thường, giải phòng mặt bằng) tài nguyên khoáng sản, thu chi ngân sách, cấp phép đầu tư, lĩnh vực tư pháp, tuyển dụng, luân chuyển, bổ nhiệm, điều động cán bộ, thực hiện các chính sách xã hội... Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các hành vi tham nhũng. Tiến hành xử lý nhanh các vụ việc sau thanh tra.
Mặt khác, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức đoàn thể trong công tác PCTN, đặc biệt là giám sát của người dân và của cơ quan truyền thông báo chí.
Thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hành chính ở tất cả cơ quan, đơn vị, địa phương. Xây dựng rõ chế độ, trách nhiệm, tiêu chuẩn cho từng loại cán bộ, công chức; cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt rõ ràng và có kế hoạch; cơ chế kiểm soát chặt chẽ hoạt động của cán bộ, công chức; áp dụng chế độ khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, công bằng; thực hiện công khai việc quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức cũng như việc xử lý, kỷ luật nghiêm cán bộ, công chức, viên chức khi vi phạm pháp luật. Đồng thời, kiểm soát tài sản, thu nhập theo Luật PCTN năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP.