Ngoài ra, trong kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) ban hành hằng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác PCTN, TC tại địa phương.
Qua 4 năm triển khai thực hiện Chỉ thị trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả bước đầu. Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp tại các cơ quan hành chính nhà nước đã có những chuyển biến tích cực. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) tỉnh Bình Định được cải thiện qua từng năm (năm 2019 đạt thứ hạng 45/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; năm 2020 đạt thứ hạng 29/63, tăng 16 bậc so với năm 2019; năm 2021 đạt thứ hạng 23/63, tăng 6 bậc so với năm 2020; năm 2022 đạt thứ hạng 21/63, tăng 2 bậc so với năm 2021).
Đến nay, 11/11 UBND các huyện, thị xã, thành phố và 21/21 sở, ban, ngành thuộc tỉnh đã thiết lập, công khai các số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ hộp thư điện tử để tiếp nhận thông tin khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các thủ tục hành chính và hành vi sách nhiễu, gây phiền hà của công chức, viên chức trong giải quyết công việc; tiến hành rà soát, nhận diện những vị trí việc làm có nguy cơ tiêu cực, tham nhũng, có xung đột lợi ích để có biện pháp giám sát, kiểm tra, chủ động phòng ngừa. Việc thực hiện Quy tắc ứng xử, những điều cán bộ, công chức, viên chức không được làm theo quy định của pháp luật, gắn với việc thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, thực chất. Công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, gắn với đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, tiết giảm tối đa chi phí tuân thủ của doanh nghiệp; từng bước xây dựng, hoàn thiện, đồng bộ các thể chế về kiểm soát quyền lực, quản lý cán bộ, công chức, viên chức đã được các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện đạt được những kết quả tích cực.
|
|
Một góc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. (Ảnh: Hoàng Minh) |
Những năm qua, UBND tỉnh Bình Định đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện, nâng cao các Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số Hiệu quả quản lý và Hành chính công (PAPI), Chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) trên địa bàn tỉnh. Tăng cường thực hiện cơ chế đối thoại với người dân, doanh nghiệp theo hướng thực chất, cầu thị qua nhiều kênh, bằng nhiều hình thức để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp, nhất là những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, thuế, phí, quy hoạch, đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính… qua đó có chủ trương, giải pháp giải quyết nhanh, gọn, dứt điểm.
Công tác kiểm tra, thanh tra công chức, công vụ; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, trong đó có những thông tin khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh bức xúc về hành vi chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp được tăng cường thường xuyên. Hàng tháng, UBND tỉnh chỉ đạo công khai danh sách và phê bình các đơn vị, cá nhân giải quyết chậm, các thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” của cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh; thành lập và giao Sở Nội vụ duy trì hoạt động thường xuyên Tổ kiểm tra công vụ của tỉnh trong nhiều năm qua.
Qua thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm một số trường hợp cán bộ, công chức chấp hành không nghiêm kỷ cương, kỷ luật, hành chính, giải quyết chậm, có thái độ ứng xử thiếu chuẩn mực trong tiếp xúc, giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.
Đáng chú ý, việc tiếp nhận, xử lý thông tin khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định trong thời gian qua được thực hiện bằng nhiều cơ chế, phương thức, như: Tiếp nhận qua các số điện thoại đường dây nóng và địa chỉ thư điện tử đã được thiết lập và công khai trên trang thông tin điện tử của tất cả các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị qua triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tiếp nhận qua công tác tiếp công dân thường xuyên và công tác tiếp công dân của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước các cấp theo quy định của pháp luật về tiếp công dân, Quy chế số 08-QC/TU ngày 29/8/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/01/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; tiếp nhận qua việc tổ chức đối thoại hàng năm giữa UBND tỉnh với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các nhà đầu tư trong tỉnh, trong nước và nước ngoài đã được thực hiện trong nhiều năm qua; tiếp nhận có kiểm chứng thông qua thông tin phản ánh trên mạng xã hội và báo chí. Ngoài ra, người đứng đầu một số ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị còn công khai số điện thoại, tài khoản facebook, zalo cá nhân để người dân, doanh nghiệp có thể gửi thông tin khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, những vấn đề khó khăn, bức xúc trong giải quyết công việc đến lãnh đạo mọi lúc, mọi nơi…
Từ thực tiễn triển khai trong những năm qua, tỉnh Bình Định rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc đó là vai trò, trách nhiệm, sự gương mẫu, vào cuộc quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu chính quyền các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị là nhân tố quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định đến hiệu lực, hiệu quả của công tác PCTN, TC nói chung và trong việc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nói riêng.
Do đó, những năm qua, trong chương trình, kế hoạch hành động thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ về PCTN, TC, UBND tỉnh luôn yêu cầu người đứng đầu chính quyền các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu, quyết liệt phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, TC là nhiệm vụ, giải pháp hàng đầu, đồng thời là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao của người đứng đầu các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị hàng năm.
Cùng với việc đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thời gian qua, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo ngành Thanh tra tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN, trong đó có việc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg. Mặt khác, chỉ đạo thực hiện nghiêm việc xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý, thiếu giám sát, kiểm tra để xảy ra vụ việc, người có hành vi tiêu cực, tham nhũng, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đo mình quản lý, phụ trách.
Phát huy những ưu điểm, kết quả đạt được, nghiêm túc rút kinh nghiệm, có giải pháp khắc phục hiệu quả những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm trong gần 4 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới, UBND tỉnh Bình Định sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện thường xuyên, kiên quyết, đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, phát huy vai trò, trách nhiệm, sự gương mẫu, sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong công tác PCTN, TC nói chung và việc xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong gải quyết công việc theo Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi thuộc thẩm quyền quản lý. Chú trọng những vị trí, việc làm thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp, có nguy cơ tham nhũng, tiêu cực.
Tổ chức thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân theo đúng quy định của pháp luật, nhất là những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh bức xúc về hành vi chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết các thủ tục hành chính. Đổi mới phong cách, lề lối làm việc; nâng cao trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính nhằm từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức kỷ cương, liêm chính, trách nhiệm, có đủ trình độ, năng lực hoàn thành chức trách, nhiệm được giao. Kịp thời phát hiện, kiến nghị hoặc xử lý theo thẩm quyền đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu giám sát, kiểm tra để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý có hành vi tham nhũng, tiêu cực, những nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc hoặc có biểu hiện bao che, dung túng nhân viên dưới quyền có hành vi sai trái.
Hai là, đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công khai, minh bạch, đổi mới công nghệ quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành và giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Ba là, tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ và công tác kiểm tra, giám sát nội bộ trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các các hành vi tiêu cực, tham nhũng, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc...
Bốn là, tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, TC nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và động viên sự tham gia chủ động, tích cực của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường quan hệ phối hợp, tạo điều kiện phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN.
Các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục chú trọng chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTN, TC cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân. Từng ngành, địa phương cơ quan, tổ chức thực hiện tốt đề án đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, coi đó là thước đo hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ; chú trọng giám sát việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và những việc không được làm, kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện tốt phương châm: Kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ đạo tăng cường công tác thông tin và truyền thông về công tác PCTN, TC trên địa bàn tỉnh nhằm tuyên truyền sâu rộng vê chính sách, pháp luật; hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, thực hành liêm chính, không tiếp tay, bao che cho hành vi tiêu cực, tham nhũng, kiên quyết không đưa, không môi giới hối lộ; tuân thủ các quy tắc, văn hóa ứng xử văn minh; tích cực, chủ động tham gia phát hiện các hành vi tiêu cực, tham nhũng, thông tin kịp thời, chính xác, trung thực cho các cơ quan chức năng; tôn vinh, biểu dương kịp thời những điển hình tốt trong công tác PCTN, TC trên địa bàn tỉnh./.