Những khó khăn, vướng mắc
Năm 2019, qua sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nhìn nhận một số hạn chế và nguyên nhân như công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kê khai tài sản, thu nhập chưa thường xuyên; việc kiểm tra, giám sát, thanh tra đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân còn ít, nhất là việc tự kiểm tra, giám sát của cơ quan, đơn vị; chất lượng kê khai tài sản còn hạn chế; việc công khai bản kê khai tài sản có cơ quan, đơn vị chưa đúng với quy định. Từ đó, đề ra các giải pháp khắc phục, nhất là về sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn được đẩy mạnh; công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra được tăng cường, chất lượng kê khai tài sản, thu nhập đảm bảo hơn. Tuy nhiên, một số tồn tại, hạn chế khắc phục vẫn chưa triệt để, trong khi thực tế cũng phát sinh một số hạn chế, bất cập mới.
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hiện nay một số quy định pháp luật về kiểm soát kê khai tài sản chưa đầy đủ như: Chưa có chế tài pháp lý đủ mạnh về trách nhiệm giải trình nguồn gốc, chứng minh tính hợp pháp của tài sản tăng thêm và tài sản không kê khai; chưa có quy định cụ thể xử lý đối với tài sản không giải trình được sau thanh tra, xác minh ...; pháp luật về thuế, tín dụng, ngân hàng chưa đồng bộ, chưa quy định bắt buộc về các giao dịch mua bán, thanh toán hàng hóa, dịch vụ phải qua tài khoản (không dùng tiền mặt)... từ đó dẫn đến công tác kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập thực hiện chưa thống nhất, hiệu quả thấp. Công tác xác định việc kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản là tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu như Chỉ thị số 33-CT/TW đặt ra nhưng thực hiện chưa hiệu quả.
Bên cạnh đó, thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ, đối tượng kê khai tài sản mở rộng nhiều, trong khi số lượng biên chế của các cơ quan có chức năng kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập trong lộ trình tinh giản biên chế. Việc chậm ban hành qui định về cơ chế phối hợp của cơ quan chủ trì, cơ quan có liên quan trong công tác kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập nên có thời điểm thực hiện công tác này còn lúng túng.
|
|
Cơ quan các cấp thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện tại Thanh Hóa đã ban hành 4.737 văn bản hướng dẫn, đôn đốc thực hiện kê khai tài sản và báo cáo thực hiện. Ảnh: PVBT |
Theo báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện đã ban hành 4.737 văn bản hướng dẫn, đôn đốc thực hiện việc kê khai, công khai và báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị đã tổ chức 4.314 hội nghị, lớp tập huấn quán triệt các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Trong đó, có nội dung về công tác kê khai tài sản cho 284.884 lượt cán bộ, đảng viên; in ấn, phát hành 54.139 tài liệu, ấn phẩm để tuyên truyền, phổ biến. Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phát sóng, đăng tải 608 số (mỗi tháng đăng tải, phát sóng 02 lần) trên Chuyên mục Phòng, chống tham nhũng để tuyên truyền.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 765-QĐ/TU ngày 31/5/2017 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Đưa nội dung kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và việc kê khai tài sản, thu nhập vào chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát chuyên đề của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy của nhiệm kỳ và hàng năm. Đồng thời chỉ đạo cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về kê khai tài sản, thu nhập.
Từ năm 2014 đến năm 2022, tổng số lượt cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tổ chức kê khai 2.825 đơn vị; số lượt người phải kê khai 173.630 người; trong đó, số người thuộc diện cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp quản lý 11.503 lượt người. Số lượt bản kê khai đã công khai 173.630; số chi ủy tổ chức công khai bản kê khai tài sản trong sinh hoạt chi bộ 11.237; số cấp ủy tổ chức công khai bản kê khai tài sản trong sinh hoạt cấp ủy 2.946.
Cũng trong thời gian này, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan chức năng đã tiến hành 584 cuộc kiểm tra, giám sát, thanh tra đối với 735 đơn vị về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và kê khai, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kiểm tra, giám sát đối với 22 ban thường vụ huyện, thị, thành ủy và 18 đảng ủy, lãnh đạo sở, ngành; cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra, giám sát 230 cuộc; các tổ chức thanh tra trong tỉnh kiểm tra, thanh tra 313 cuộc.
Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn
Nhằm khắc phục triệt để những khó khăn, vướng mắc và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 33-CT/TW trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa nhận định, cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm; trong đó, phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kê khai và kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng; người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc kê khai, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập. Bên cạnh đó, phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng, chính quyền và các cơ quan chức năng, đưa nội dung thực hiện việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập vào chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm. Chú trọng việc kiểm tra, xác minh đối với những trường hợp kê khai tài sản không trung thực; giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý; kịp thời xem xét, xử lý những trường hợp vi phạm quy định về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập. Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; hàng năm phải thực hiện việc xác minh tài sản, thu nhập đối với số cơ quan, tổ chức, đơn vị, số người được xác minh ngẫu nhiên bảo đảm tỷ lệ theo quy định và trong số đó có người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Làm tốt vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, vai trò trách nhiệm của cơ quan thông tin truyền thông trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng kiến nghị Thanh tra Chính phủ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn để triển khai thực hiện thống nhất trong cả nước. Hướng dẫn cụ thể về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ phải kê khai theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; hướng dẫn về đối tượng kê khai như kê khai lần đầu, kê khai bổ sung hàng năm; về nội dung xác minh, phạm vi, cách thức xác minh. Đồng thời, hàng năm hỗ trợ các địa phương trong việc cập nhật hướng dẫn thực hiện các văn bản mới và tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác kê khai, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập.
Từ thực tiễn gần 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là, phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; thực tiễn cho thấy, ở đâu cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra, gương mẫu trong việc kê khai tài sản, thì ở đó thực hiện nghiêm túc và ngược lại.
Hai là, thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai, cũng như trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc kê khai, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập. Đề cao ý thức trách nhiệm, sự chủ động, tự giác, trung thực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập, thực hiện hiệu quả việc kê khai tài sản, thu nhập là một trong những tiêu chí để đánh giá cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hàng năm; tập trung kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm đối với những trường hợp không kê khai, kê khai không trung thực, không giải trình được tài sản tăng thêm.
Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, trước hết là việc tự kiểm tra, giám sát của từng cơ quan, đơn vị; thường xuyên kiểm tra, giám sát, thanh tra của cấp trên đối với cấp dưới để hướng dẫn, chấn chỉnh khắc phục kịp thời những hạn chế, tồn tại; coi trọng việc xác minh ngẫu nhiên đối với người kê khai của các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, tập trung kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm đối với những trường hợp kê khai không trung thực; giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không rõ ràng hoặc để phục cho công tác bầu cử, bổ nhiệm, bãi nhiệm cán bộ.
Phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong việc giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong việc kê khai và kiểm soát viêc kê khai tài sản, thu nhập./.