Chủ trương đúng đắn, được xã hội đồng tình
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm học 2013 - 2014, hằng năm Bộ GDĐT đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị và việc tổ chức giảng dạy nội dung PCTN tại các Sở GDĐT và các cơ sở GDĐT thuộc quyền quản lý. Công tác kiểm tra được thực hiện thông qua việc thành lập các đoàn kiểm tra trực tiếp. Việc kiểm tra được thực hiện theo chuyên đề riêng về Chỉ thị 10 hoặc kết hợp với các nội dung thanh tra, kiểm tra trách nhiệm khác. Đến nay, Bộ GDĐT đã tiến hành được 02 cuộc thanh tra chuyên đề công tác PCTN, hơn 20 đoàn thanh tra hành chính, có nội dung về công tác PCTN nói chung và về Chỉ thị 10 nói riêng.
Về phía địa phương, Sở GDĐT của các tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra chuyên đề về PCTN, bao gồm việc thực hiện Chỉ thị 10 hoặc lồng ghép kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nội dung này với các cuộc thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch thanh tra trong năm học.
Thông qua việc thanh kiểm tra, Bộ GDĐT đánh giá việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở GDĐT là chủ trương đúng đắn, được xã hội đồng tình về sự cần thiết bởi trong giai đoạn trước đây, quá trình thực hiện Đề án 137 đã thống nhất nhận thức trong hệ thống chính trị. Việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy cũng nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía các cơ sở GDĐT và giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên.
Nội dung PCTN đã thu hút sự quan tâm, chú ý của các đối tượng người học vì ý nghĩa, tầm quan trọng của nó đối với quốc gia, dân tộc và tính chất thời sự. Nội dung này đã góp phần trang bị cho người học kiến thức cơ bản về PCTN; nâng cao ý thức của người học trong việc thực hiện nghĩa vụ công dân và trách nhiệm đối với cộng đồng; hình thành và phát triển phẩm chất liêm chính, năng lực tự vệ của người học trước thực trạng tham nhũng và thái độ lên án, đấu tranh với tham nhũng.
|
|
Triển khai đồng bộ, có chất lượng việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở đào tạo. Ảnh minh họa/internet |
Cũng theo Bộ GDĐT, để thực hiện Chỉ thị 10, Bộ đã bố trí nhân sự, phân công nhiệm vụ, ban hành các văn bản bản chỉ đạo hướng dẫn việc thực hiện Chỉ thị; đã biên soạn tài liệu giảng dạy cho các cơ sở giáo dục thuộc quyền quản lý và tập huấn cho đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý; chú trong công tác thanh tra, kiểm tra thể hiện sự sự tích cực, chủ động trong thực hiện Chỉ thị, nổi bật nhất là việc triển khai đồng bộ, có chất lượng tại khối các trường THPT, các Sở GDĐT.
Dù việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy trên phạm vi toàn quốc là chủ trương mới, tiến hành trong điều kiện các cơ quan, tổ chức và người có liên quan thiếu kinh nghiệm và khó khăn về kinh phí. Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện, về cơ bản, cơ sở GDĐT đã thể hiện trách nhiệm cao trong đón nhận và tích cực, chủ động triển khai chính sách quan trọng này. Nhiều địa phương, cơ sở GDĐT đã có sự linh hoạt, sáng tạo, với những mô hình, cách làm hiệu quả trong việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy.
Đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy về PCTN có lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm cao; chủ động, linh hoạt trong tham gia tập huấn, tiếp cận, nghiên cứu tài liệu để đưa nội dung phù hợp vào bài giảng; chủ động, sáng tạo về phương pháp sư phạm.
Dù vậy, vẫn còn một số khó khăn, bất cập như nhận thức của các cấp lãnh đạo, quản lý về mục đích, ý nghĩa và nội dung của Chỉ thị còn chưa đồng đều; một số cấp lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm chưa coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác PCTN. Điều này dẫn đến công tác chỉ đạo, tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị chưa thật sâu sát, kịp thời và quyết liệt.
Tiếp đó, tài liệu tham khảo và các tư liệu minh họa liên quan đến các vụ án tham nhũng tuy phong phú nhưng thiếu tài liệu chuẩn, chính thống cho giáo viên và học sinh sử dụng. Do vậy, đa số giáo viên, giảng viên gặp khó khăn, lúng túng trong việc tìm tư liệu thực tiễn để minh họa cho nội dung bài giảng, đặc biệt là tư liệu về các vụ án tham nhũng.
Đẩy mạnh thực hiện theo chiều sâu tại các cơ sở giáo dục đào tạo trên phạm vi cả nước
Bộ GDĐT chỉ rõ, đối với các trường THPT, môn GDCD với đặc thù phải lồng ghép, tích hợp giảng dạy cùng rất nhiều nội dung khác nhau. Trong khi đó, nội dung PCTN là nội dung mới và khó đối với cả người dạy và người học nên việc tổ chức giảng dạy, phân công giáo viên, phân bổ quỹ thời gian và chuyển tải nội dung giáo dục phù hợp, theo yêu cầu của Chỉ thị đã gặp không ít khó khăn.
Bên cạnh đó, giáo viên giảng dạy môn GDCD ở THPT hầu hết không được đào tạo chuyên sâu về pháp luật, lại thường kiêm nhiệm giảng dạy môn học khác nên gặp nhiều khó khăn trong việc: tìm kiếm, lựa chọn và sử dụng các nguồn tài liệu tham khảo; xác định hành vi tham nhũng và trách nhiệm pháp lý của hành vi tham nhũng; đưa ra ví dụ về tham nhũng phù hợp, sinh động, dễ hiểu, sát thực tế, đồng thời tránh được cái nhìn tiêu cực của học sinh trước cuộc sống…
Còn với các trường Đại học, Cao đẳng do thời lượng giảng dạy lồng ghép nội dung PCTN rất hạn chế nên giáo viên chỉ giảng sơ lược các nội dung cơ bản về PCTN mà không thể đi sâu vào các vấn đề khoa học. Một số trường triển khai còn hình thức, một số đại học vùng giao cho đại học thành viên triển khai thực hiện.
Ngoài ra, nhiều địa phương, cơ sở GDĐT còn lúng túng trong dự toán kinh phí thực hiện Chỉ thị. Mặt khác, do kinh phí eo hẹp nên nhiều cơ sở GDDT chưa tổ chức được hoạt động ngoại khóa về nội dung PCTN và các hoạt động khác có liên quan. Tài liệu về đạo đức liêm chính cho học sinh (dành cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục), việc in ấn, phát hành tài liệu không nằm trong danh mục được giao đặt hàng và phải đấu thầu theo Nghị định 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ về quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phảm dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thương xuyên cho nên gặp khó khăn trong quá trình triển khai, tìm đối tác.
Để giải quyết những khó khăn, tồn tại này nhằm phát huy hiệu quả của Chỉ thị 10, trong thời gian tới cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, đặc biệt rà soát, triển khai nội dung nêu tại khoản 2 Điều 6 Luật PCTN năm 2018; tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 10 theo chiều sâu tại các cơ sở GDĐT trên phạm vi cả nước.
Đi cùng với đó, sẽ ban hành, cung cấp đủ tài liệu cho học sinh, giao viên để phục vụ giảng dạy PCTN trong các cơ sở giáo dục (CSGD); cũng như tăng cường thanh tra, kiểm tra việc triển khai PCTN nói chung và việc triển khai giảng dạy các nội dung về PCTN trong các CSGD nhằm đánh giá toàn diện về thực trạng triển khai và kết quả thực hiện Chỉ thị.
Về đề xuất, kiến nghị, Bộ GDĐT cho rằng cần tiếp tục quán triệt và nâng cao nhận thức cho các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục về PCTN tại các cơ sở GDĐT; chỉ đạo quyết liệt và có biện pháp tích cực, hiệu quả hơn nữa trong thực hiện Chỉ thị; tăng cường thông tin, tuyên truyền về Chỉ thị và về tình hình, kết quả việc thực hiện Chỉ thị.
Tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về PCTN cho giáo viên, giảng viên. Hằng năm, có chuyên đề khen thưởng riêng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện PCTN nói chung và giảng dạy công tác PCTN trong các CSGD.