Vĩnh Phúc thu hồi tài sản tham nhũng hơn 5,5 tỷ đồng

Thứ tư, 18/01/2023 10:12
(ThanhtraVietNam) - Năm vừa qua, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng (PCTN) trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về PCTN, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kết quả, năm 2022, toàn tỉnh đã phát hiện trên 6,3 tỷ đồng tổng số tiền, tài sản tham nhũng; đã thu hồi vào ngân sách nhà nước hơn 5,5 tỷ đồng.

Ngay từ đầu năm, các Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch, Văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022 đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo triển khai, thực hiện đầy đủ, kịp thời đến các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan nội chính, tư pháp, cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng của tỉnh ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản để triển khai, thực hiện nội dung lãnh đạo, chỉ đạo, chương trình kế hoạch của bộ ngành ở Trung ương để triển khai các chuyên đề của ngành, lĩnh vực trong công tác PCTN, tiêu cực đối với ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Năm 2022, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã duy trì tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nhiệm vụ PCTN, tiêu cực bằng nhiều hình thức khác nhau, như niêm yết các văn bản mới; đăng tải trên Cổng Thông tin GTĐT của ngành, địa phương, đơn vị; lồng ghép trong các cuộc họp giao ban, họp Chi bộ, Đảng bộ về công tác PCTN; Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Thanh tra tỉnh, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh và một số ngành, đơn vị xây dựng chương trình, phát sóng 06 chuyên mục, 216 tin, 102 phóng sự, mục, chuyên mục tuyên truyền về công tác PCTN. Sở Tư pháp đã biên soạn và phát hành 3.300 tài liệu về giới thiệu, truyền truyền phổ biến pháp luật, trong đó có nội dung tuyên truyền pháp luật về PCTN dùng trong sinh hoạt Chi bộ đảng cơ sở. UBND tỉnh có Văn bản số 3680/UBND-NC2 ngày 18/02/2022 để chỉ đạo, thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN năm 2022, các ngành, địa phương, đơn vị đã tổ chức 65 lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN theo hình thức tập trung cho 11.939 lượt cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân trên địa bàn tham gia tiếp thu, học tập. Qua đó góp phần nâng cao kiến thức, nhận thức và ý thức trách nhiệm trong PCTN, tiêu cực.

leftcenterrightdel
 Một cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: noichinh.vn

Trong công tác thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, việc công khai, minh bạch đã được các cấp, ngành, đơn vị nghiêm túc thực hiện trong các lĩnh vực như: Các cấp, ngành, đơn vị nghiêm túc thực hiện việc công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động và trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của Luật PCTN, nhất là trong các lĩnh vực dễ  xảy ra tham nhũng, tiêu cực, gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Các lĩnh vực được tăng cường công khai, minh bạch như: Tài chính, ngân sách; mua sắm tài sản công; đầu tư xây dựng cơ bản; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các khoản đóng góp của nhân dân; quy trình giải quyết thủ tục hành chính; công tác tổ chức cán bộ... Việc thực hiện công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng biết để thực hiện và giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng.

Toàn tỉnh có 73/73 đơn vị đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập năm 2021, đạt tỷ lệ 100%; Số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2021 là 2.329 người/2.329 người phải kê khai; đạt tỷ lệ 100% số người phải kê khai. Số lượng bản kê khai tài sản, thu nhập lưu giữ phục vụ công tác kiểm soát cấp tỉnh là 2.299 bản (tỷ lệ 98,7%), số Bản kê khai TSTN phục vụ công tác kiểm soát cấp Trung ương là 30 bản (tỷ lệ 1,28%); Số bản kê khai đã công khai theo hình thức niêm yết: 793 bản, tỷ lệ 34% so với số bản đã kê khai, số bản kê khai đã công khai theo hình thức công bố tại cuộc họp là 1.536 bản, tỷ lệ 65,9% so với số bản đã kê khai.

Đáng chú ý, trong năm 2022, qua công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng, toàn tỉnh đã thụ lý 19 vụ đối với 35 bị can, bị cáo. Tổng số tiền, tài sản tham nhũng phát hiện được qua công tác PCTN là trên 6,3 tỷ đồng, đã thu hồi cho ngân sách nhà nước hơn 5,5 tỷ; trong đó, thu hồi qua biện pháp hành chính trên 1,4 tỷ và thu hồi bằng biện pháp tư pháp hơn 4,1 tỷ đồng.

Có thể nói, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác PCTN của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị đã triển khai đồng bộ các giải pháp PCTN trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về PCTN, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhận thức, trách nhiệm của Thủ trưởng các cấp, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và của Đảng viên, CB, CC, VC trên địa bàn tỉnh về công tác PCTN được nâng lên. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng hàng năm theo quy định của Luật PCTN đi vào nề nếp. Kỷ cương, kỷ luật của Đảng viên, CB, CC, VC trên địa bàn trong việc thực hiện quy chế làm việc, quy chế văn hóa công sở, văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và có chuyển biến rõ rệt. Vai trò giám sát của các tổ chức đoàn thể, các cơ quan báo chí, doanh nghiệp và nhân dân được tăng cường; hoạt động phản biện xã hội được mở rộng theo hướng ngày càng công khai, minh bạch đã góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa, hạn chế tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2023, các cấp các ngành trên toàn tỉnh Vĩnh Phúc cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như sau:

Một là, Tăng cường thực hiện chỉ thị 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Chỉ thị 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kết luận số 05-KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

Hai là, Tập trung thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là công tác kê khai tài sản, xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện quy định về công khai minh bạch trên các lĩnh vực, đặc biệt trong quy hoạch, sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức…; phát hiện xử lý kịp thời nghiêm minh các vụ việc tham nhũng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng và chuyển điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng; chú trọng đổi mới hình thức, cách thức tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường mối quan hệ phối hợp với các cơ quan liên quan trong trao đổi, cung cấp thông tin theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Luật phòng, chống tham nhũng.

Ba là, Đẩy mạnh thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như: đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài chính, thuế, công tác quy hoạch, bổ nhiệm…; kịp thời thanh tra đột xuất khi phát hiện dầu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là các vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong việc thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh gây thất thoát, thua lỗ lỡn và bức xúc xã hội. Đôn đốc việc thực hiện kết luận, chỉ đạo sau thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Hà Tuấn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra