Giới chuyên gia hàng đầu về Triều Tiên cho rằng cuộc gặp mặt đối mặt giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể bị hủy, vì nhà lãnh đạo Mỹ không được chuẩn bị cho một cuộc đàm phán quan trọng như vậy.
Giáo sư Robert Kelly tại Đại học Quốc gia Pusan, Hàn Quốc, trả lời hãng tin CNBC cho rằng, cuộc gặp có thể bị hủy đơn giản là vì quá mạo hiểm khi ông Trump dường như biết rất hạn chế về tình hình chính trị phức tạp của Triều Tiên.
“Ông Trump không biết rõ một thỏa thuận lớn về Triều Tiên, chúng ta biết rằng ông Trump không đọc nhiều và đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump đang “hỗn loạn”, Giáo sư Robert Kelly ám chỉ việc Tổng thống Mỹ chỉ định cố vấn an ninh quốc gia John Bolton mới đây.
Nhìn nhận ngược lại về phía Triều Tiên, giới chuyên gia cho rằng Triều Tiên đã làm việc với vấn đề này trong suốt một thời gian dài, do đó, Triều Tiên sẵn sàng đàm phán với Mỹ khi họ biết rõ tận gốc rễ từng vấn đề, từng chi tiết họ sẽ đề cập khi đàm phán.
Giáo sư Robert Kelly đặt ra câu hỏi rằng liệu Tổng thống Mỹ có “sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán và lắng nghe” nhà lãnh đạo Triều Tiên nói?
“Đầu tiên, ông Kim Jong-un sẽ bước vào phòng đàm phán và dành 40 phút để nói về tội ác chiến tranh của Mỹ, cũng như nhắc về cuộc chiến Triều Tiên”, ông Robert Kelly nêu giả thiết.
Theo nhận định của giới quan sát, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều có thể diễn ra vào cuối tháng 5, song chưa có bất cứ thông tin chi tiết nào về thời gian, địa điểm và thành phần tham gia đàm phán của 2 bên được tiết lộ. Thậm chí, không rõ liệu cố vấn an ninh quốc gia mới của Tổng thống Trump ông John Bolton có tham gia phái đoàn Mỹ trong cuộc gặp Trump-Kim này hay không. Cố vấn John Bolton vẫn được biết đến với quan điểm ủng hộ Mỹ sử dụng chính sách quân sự để giải quyết các vấn đề hạt nhân của Triều Tiên hay Iran.
Giáo sư Michael J. Green tại Đại học Georgetown tại Mỹ, đồng thời là Phó khoa châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược, viết trong một bản nghiên cứu gần đây cho rằng: “Triển vọng cho cuộc gặp Trump-Kim sẽ khả quan hơn nếu Tổng thống Trump cho thấy ông hiểu biết hơn về các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên”.
Những “cái bẫy” sẽ được cài đặt trong suốt tiến trình đàm phán Mỹ-Triều. Theo Giáo sư Green, các nhà đàm phán Triều Tiên đã có hàng thập kỳ kinh nghiệm trong việc cố điều chỉnh các thỏa thuận đa phương với ủy nhiệm của Liên Hợp Quốc và với các đồng minh của Mỹ tại châu Á. Phía các nhà ngoại giao Mỹ cũng như vậy, song họ sẽ không thể giữ vị trí trung tâm của “sân khấu” tại vòng đàm phán này”.
Các nhà quan sát cho rằng, để đổi lấy sự phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, những yêu cầu trước tiên của ông Kim Jong-un sẽ là chấm dứt sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc, cũng như các cuộc tập trận chung giữa 2 nước này.
Thực tế, một cuộc gặp thượng đỉnh của nhà lãnh đạo 2 nước sẽ không thể dễ dàng “nói là làm ngay được”. Trước khi tiến tới gặp thượng đỉnh, 2 bên sẽ phải tiến hành hàng loạt cuộc đàm phán cấp chuyên viên, cấp kỹ thuật hay cuộc gặp chuẩn bị trước giữa các nhà ngoại giao cấp thấp...
Nếu cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un thực sự diễn ra vào cuối tháng 5, thì 2 bên chỉ còn khoảng 8 tuần để chuẩn bị. Giáo sư Robert Kelly cảnh báo một khối lượng công việc “khổng lồ” và ông nhắc lại sự hồ nghi rằng Tổng thống Trump đã được chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc gặp này.
“Chỉ với 8 tuần thôi, có nghĩa là Tổng thống Trump phải làm rất rất nhiều công việc cho cuộc gặp trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Và tôi không rõ liệu ông Trump đã từng làm như vậy trước đây hay chưa”.
Không ít ý kiến chuyên gia cho rằng những diễn biến đổi chiều tích cực trên Bán đảo Triều Tiên từ đầu năm nay mang hơi hướng có lợi cho Triều Tiên nhiều hơn.
Việc Triều Tiên bất ngờ tuyên bố “hòa hảo” với Hàn Quốc, rồi tiến dần tới các cuộc gặp thượng đỉnh với Hàn Quốc trong tháng 4 này và với Mỹ trong tháng 5, đã mở ra một kỷ nguyên mới trong các mối quan hệ ngoại giao của Triều Tiên.
Thực sự, giới chuyên gia không kỳ vọng vào cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, kể cả khi nó có diễn ra.
Đặc biệt, phe bảo thủ tại Hàn Quốc rất cẩn trọng với những thông tin về cuộc gặp Mỹ-Triều, bởi vì họ đã rất nhiều lần chứng kiến Triều Tiên thất hứa và việc nước này sử dụng chiêu bài đàm phán để câu giờ.
“Chúng tôi đã xem “bộ phim” này quá nhiều lần. Triều Tiên đồng ý đối thoại và sau đó là chu kỳ khiêu khích và lại đối thoại… Chúng ta đều biết kịch bản này khi Triều Tiên có được mọi thứ họ muốn, còn Mỹ và Hàn Quốc thì không”, một chuyên gia thuộc Diễn đàn Tương lai Bán đảo Triều Tiên nhận định./.
Theo VOV