 |
Ngày 25/5, Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde chính thức tuyên bố tranh cử chức Tổng Giám đốc IMF với sự ủng hộ của nhiều nước châu Âu. |
Các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là nhóm Những nền kinh tế mới nổi (BRICs) kêu gọi IMF hãy thay đổi bằng hành động không để người châu Âu tiếp tục nắm giữ vị trí cao nhất tại tổ chức tài chính này.
Vài giờ sau khi ứng cử của Ấn Độ, chuyên gia kinh tế Montek Singh Ahluwalia xin rút khỏi cuộc đua vào vị trí Tổng Giám đốc IMF với lý do quá tuổi, ngày 25/5, Mexico đã nhanh chóng đưa ra tuyên bố về sự ủng hộ đối với ứng viên của mình là Thống đốc Ngân hàng Trung ương Agustin Carstens, một trong số 10 nhân vật được coi là sáng giá cho việc kế nhiệm ông Strauss-Kahn. Đồng thời, Chính phủ Mexico cũng kêu gọi các quốc gia đang phát triển khác ủng hộ ứng viên Agustin Carstens để "chống lại người châu Âu" trong "trận chiến" giành quyền lãnh đạo tổ chức tài chính quốc tế lớn nhất hiện nay IMF.
Phát biểu trước báo chí, ông Agustin Carston nói: "Những thử thách cho các nền kinh tế mới nổi cho thấy chúng ta cần phải đoàn kết để tìm được người xứng đáng cho cuộc đua này. Hãy bảo vệ quyền lợi cho đất nước chúng ta".
Trong lá thư gửi lên Ban giám đốc IMF, ông Agustin Carstens cũng viết rằng, IMF cần một nhân vật mới phù hợp với thời đại và cân bằng lợi ích giữa các quốc gia thành viên. Bộ trưởng Tài chính Mexico Ernesto Cordero cho biết, ngay sau khi đề cử ông Agustin Carston, Chính phủ Mexico đã có những cuộc tiếp xúc với đại diện các quốc gia như Peru, Brazil... để tìm kiếm sự ủng hộ.
Riêng đối với nhóm BRICs, tuy không tuyên bố thẳng thừng về việc sẽ ủng hộ ứng viên nào, song, BRICs đã kêu gọi mở một cuộc bầu chọn nghiêm túc, thẳng thắn và Tổng Giám đốc IMF không nhất thiết phải là người châu Âu. Thậm chí, BRICs còn khuyến cáo, nếu người kế nhiệm ông Strauss-Kahn vẫn xuất thân từ các nước châu Âu thì đây sẽ là "bước lùi" của IMF.
Nam Phi, Australia cũng bày tỏ những lo ngại tương tự giống như BRICs và yêu cầu tổ chức một cuộc bỏ phiếu công bằng. Và mặc dù nói đã đến lúc chấm dứt truyền thống 65 năm người châu Âu nắm giữ chức vụ đứng đầu IMF nhưng các nước đang phát triển vẫn chưa có sự đồng thuận rõ ràng về ứng cử viên để đệ trình.
 |
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico Agustin Carstens quyết đấu đến cùng với Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde để bảo vệ quyền lợi cho các nước đang phát triển tại IMF. |
Còn châu Âu đương nhiên là không bao giờ muốn mất đi vị trí độc tôn ở IMF mà họ đã có được từ khi tổ chức này thành lập. Mỹ, quốc gia từng có luật bất thành văn phân chia với châu Âu về quyền điều hành Ngân hàng thế giới (WB) và IMF cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với các ứng viên của châu Âu.
Chỉ 4 ngày sau khi bê bối tình dục của ông Strauss-Kahn bị phanh phui, cả Mỹ và EU đã lựa chọn Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde trong tổng số 5 ứng viên người châu Âu. Sau cuộc họp Ngoại trưởng EU hồi tuần trước, bà Christine Lagarde đã chính thức trở thành ứng viên của châu lục này.
Ngày 25/5, đích thân Bộ trưởng Tài chính đã tuyên bố sẽ tham gia cuộc đua vào vị trí Tổng Giám đốc IMF. Để củng cố uy tín của bà Christine Lagarde và gây tác động mạnh tới các nước thành viên IMF, EU còn dự định sẽ tìm kiếm sự đồng thuận hoặc thậm chí là tuyên bố chung về việc ủng hộ Bộ trưởng Tài chính Pháp làm Tổng Giám đốc IMF tại Hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp G8 diễn ra tại Pháp vào cuối tuần này.
Trong khi đó, nội bộ tổ chức IMF cũng có một số xáo trộn sau sự ra đi của ông Strauss-Kahn. Hãng CNN ngày 25/5 đưa tin, một ngày sau khi ông Strauss-Kahn viết thư gửi các đồng nghiệp cũ ở IMF, khẳng định sự vô tội của mình và kêu gọi sự ủng hộ, các nhân viên nữ trong tổ chức này đã có nhiều hoạt động nhằm đòi hỏi thêm quyền lợi cho nữ giới.
Họ cho rằng, nhân bê bối của cựu Tổng Giám đốc, IMF cần tiến hành cải tổ mà cụ thể là phải tạo cơ hội, điều kiện cho các nữ nhân viên phát huy khả năng cũng như nắm giữ các vị trí cao trong tổ chức. Chưa hết, 676 nhân viên nữ của IMF còn viết một lá đơn gửi lên Ban giám đốc và cho rằng, cần phải nâng tỷ lệ nữ giới nắm các vị trí chủ chốt tại IMF từ 10% lên 30% vào năm 2014. Hiện chưa có phản ứng hay bình luận nào từ giới chức IMF về vấn đề này.
Trả lời phỏng vấn đài TF1 hôm 23/5, luật sư bào chữa cho cựu Tổng Giám đốc IMF Benjamin Brafman nói: "Từ những gì thu nhận được, tôi in tưởng rằng, nếu phiên tòa xử ông Strauss-Kahn diễn ra công bằng, đến cuối buổi tranh tụng, ông ấy sẽ được tuyên bố vô tội. Các kết quả điều tra của chúng tôi cho thấy, lời cáo buộc cố tình cưỡng hiếp là bịa đặt".
Trong khi đó, cựu công tố viên Liên bang Mỹ Samuel Buell lại đưa ra nhận xét rằng, nếu phát hiện các dấu vết ADN của ông Strauss-Kahn trên quần áo nạn nhân và cả vết máu của cô hầu phòng thì những chứng cứ này cũng chưa đủ để có thể kết tội cựu Tổng Giám đốc IMF đã thực hiện hành vi cưỡng dâm.
Tờ Bưu điện New York ngày 25/5 đưa tin, cảnh sát New York đã phát hiện thêm vết máu trên lưng ghế sofa trong căn phòng mà ông Strauss-Kahn thuê ở khách sạn Sofitel. Vết máu này được cho là trùng khớp với vết xước trên lưng cựu Tổng Giám đốc, cho thấy đã có cuộc vật lộn giữa ông và cô hầu phòng tại căn phòng này. Hiện chưa có lời bình luận hay phản bác nào của văn phòng công tố viên quận Manhattan cũng như Sở cảnh sát New York
Theo Sông Thương
CAND