Theo thống kê của Worldometer, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 376.795 người và làm 6.354.644 người nhiễm bệnh trên toàn thế giới, kể từ khi bùng phát ở Trung Quốc. Các nỗ lực ngăn chặn virus lây lan như áp đặt hạn chế với cuộc sống thường nhật đã đẩy kinh tế các nước vào suy thoái.
Ổ dịch châu Mỹ lây lan dữ dội
Theo Trung tâm nghiên cứu và chính sách về bệnh lây nhiễm (CIDRAP) thuộc Đại học Minnesota, Trung và Nam Mỹ hiện là các khu vực lây nhiễm Covid-19 dữ dội nhất. Điều này xuất phát từ các yếu tố như dân tập trung đông ở khu vực thành thị...
Tại một cuộc họp báo ngắn mới đây, ông Mike Ryan - người đứng đầu chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, trong vòng 24h qua, 5 trong số 10 nước có số ca nhiễm mới virus corona nhiều nhất đều tập trung ở châu Mỹ, gồm Brazil, Mỹ, Peru, Chile và Mexico.
Quan chức trên cho hay, dịch Covid-19 vẫn chưa đạt đỉnh ở các nước trung và nam Mỹ. Trong khi đó, một số quốc gia ở Nam Á và châu Phi vẫn đối mặt với dịch song tình hình ở các nơi này đã ổn định.
Hậu đại dịch tại châu Âu
Tại châu Âu, từ Nga tới Pháp, Italia và Anh, các nước bắt đầu nới phong toả, thận trọng áp dụng tình trạng bình thường hậu đại dịch.
Ở Na Uy và Phần Lan, các quán bar đã phục vụ trở lại với những hạn chế về giãn cách hoặc hoạt động trong thời gian ngắn hơn. Một số trường học ở Anh và Hy Lạp cũng mở cửa trở lại. Hiện, một số người chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson vẫn cho rằng Anh bỏ phong toả quá nhanh. Anh ngày 1/6 ghi nhận thêm 111 ca tử vong vì virus corona, mức thấp nhất kể từ khi lệnh phong toả được áp dụng tại nước này hôm 23/3.
Dịch Covid-19 hoành hành dữ dội ở châu Mỹ (Ảnh:AP)
Ở Nga, các trung tâm mua sắm và công viên ở Moscow bắt đầu mở cửa từ 1/6 dù số ca nhiễm vẫn cao.
Tại Italia, số liệu thống kê mới nhất cho thấy những dấu hiệu lạc quan. Trong 24h qua, nước này chỉ có 178 ca nhiễm mới, 60 ca tử vong. Tình hình dịch tại Tây Ban Nha cũng có tín hiệu tốt. Ngày 1/6, Tây Ban Nha không có ca tử vong nào vì Covid-19.
WHO cảnh báo virus vẫn mạnh
Các chuyên gia WHO và một loạt các nhà khoa học hôm 1/6 cho biết, không có bằng chứng nào cho thấy Covid-19 đang suy yếu như nhận định của một bác sỹ nổi tiếng ở Italia, theo Reuters.
Giáo sư Alberto Zangrillo, đứng đầu khoa chăm sóc tích cực thuộc bệnh viện San Rafffaele ở vùng Lombardy, Italia trước đó tuyên bố trên truyền hình rằng virus corona không còn tồn tại về phương diện lâm sàng.
Theo chuyên gia về dịch tễ học của WHO Maria Van Kerkhove và nhiều chuyên gia về virus và bệnh lây khác, tuyên bố trên của giáo sư người Italia không có bằng chứng về khoa học. Không có dữ liệu nào cho thấy virus corona chủng mới đã thay đổi, ở cả dạng lây lan lẫn độ nghiêm trọng mà nó gây ra.
Theo Hoài Linh/Vietnamnet
https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/tin-tuc-covid-19-ngay-2-6-2020-covid-19-bung-phat-manh-o-chau-my-645646.html