EU "mở cánh cửa" cho người tiêu dùng kiện tập thể
Thứ sáu, 13/04/2018 07:44 (GMT+7)
(ThanhtraVietnam) - Ủy ban châu Âu (EC) ngày 11/4 đã "mở cánh cửa" cho những người tiêu dùng cảm thấy bị lừa gạt có khả năng kiện tập thể trên toàn Liên minh châu Âu (EU), một hành động được rút ra sau bài học mới đây từ vụ bê bối Dieselgate.
Đây là một trong những đề xuất mang tính định hướng quan trọng của EC sau quá trình xem xét lại hệ thống luật pháp về bảo vệ người tiêu dùng, vốn được xem là một trong những hệ thống bảo vệ mạnh nhất thế giới, cùng với đó là việc tăng cường áp dụng các quy định này trong thực tế.
Trong khi tại Mỹ, hãng sản xuất ô tô Volkswagen (Đức) đã phải bồi thường hơn 22 tỷ USD cho 600.000 khách hàng cùng án phạt nặng nề sau khi phát hiện các động cơ diesel của hãng này đã gian lận các thông số kỹ thuật, thì khách hàng châu Âu lại không nhận được bất kỳ bồi thường nào.
Một mặt, EC muốn mang lại quyền lực cho giới chức các nước thành viên EU có quyền đưa ra những hình thức phạt trong trường hợp vi phạm với mức ít nhất là 4% doanh thu đồng thời mở ra khả năng cho phép các nước thành viên được quyền quyết định tăng khoản tiền này. Mặt khác, đề xuất mới này cũng mở ra khả năng khởi động các vụ kiện tập thể trên toàn EU, một hình thức tư pháp mới chỉ tồn tại ở năm nước thành viên là Bỉ, Italy (I-ta-li-a), Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Thụy Điển.
EC nhấn mạnh thủ tục tư pháp mà họ đề xuất khác với quy định hiện hành tại Mỹ và hướng tới mục đích mở rộng hơn quyền lực cho người tiêu dùng chứ không phải là mang lại công việc cho các văn phòng luật sư.
Theo đề xuất của EC, những phương cách này liên quan đến những thực thể chuyên nghiệp như các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng hay các tổ chức độc lập khác sẽ được các nhà chức trách của các nước cho phép làm đại diện cho người tiêu dùng. Vấn đề tài chính của các tổ chức này sẽ được giám sát chặt chẽ để tránh các quỹ đầu tư tìm lợi ích riêng từ đó.
Theo đề xuất trên, các thủ tục pháp lý sẽ chỉ được tiến hành nếu cơ quan tư pháp của quốc gia thừa nhận doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật. Brussels cũng mong muốn kết hợp kho dữ liệu tư pháp của mình với thế giới số trong kỷ nguyên phát triển của mạng xã hội và ở thời mà những người sử dụng đang ngày càng lo lắng cho sự đảm bảo niềm tin về các dữ liệu của mình như vụ việc bê bối của mạng xã hội Facebook hiện nay.
Đề xuất cải tổ này của châu Âu là nhằm thu hẹp những khác biệt đang tồn tại trong việc bảo vệ người tiêu dùng giữa dịch vụ trên mạng miễn phí và trả tiền. Yêu cầu về tính minh bạch cao hơn cũng sẽ được áp dụng trong cách thức xếp hạng thông tin của các công cụ tìm kiếm theo những tiêu chí xác định./.
Dương Thái
(Theo BBc News)