Nạn đói đang có chiều hướng gia tăng
Thứ hai, 26/03/2018 07:00 (GMT+7)
(ThanhtraVietNam) - Theo một báo cáo mới đây của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), các cuộc khủng hoảng lương thực tiếp tục diễn biến phức tạp và nạn đói đang có chiều hướng gia tăng.
Cụ thể, 124 triệu người tại 51 quốc gia hiện đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong năm 2017, tăng 11 triệu người so với năm 2016. Đây là báo cáo được một nhóm đối tác nhân đạo quốc tế thực hiện hàng năm dưới sự bảo trợ của FAO, Liên minh châu Âu (EU) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP). Theo báo cáo này, tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng được hiểu là một dạng của nạn đói, là mối đe dọa trực tiếp đến cuộc sống và sinh kế của người dân.
Xung đột vẫn là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng ở 18 quốc gia trên thế giới. Trong đó có 15 nước thuộc châu Phi và Trung Đông, tác động tiêu cực đến 74 triệu người. Năm 2017, sự gia tăng số người bị ảnh hưởng của nạn đói phần lớn là do tác động của các cuộc xung đột, kể cả các xung đột mới và cũ, chẳng hạn như tình hình bất ổn ở Myanmar (Mi-an-ma), Đông bắc Nigeria (Ni-giê-ri-a), Cộng hòa Congo (Công-gô), Nam Sudan (Xu-đăng) và Yemen (Y-ê-men).
Ngoài ra, biến đổi khí hậu, chủ yếu là hạn hán, cũng là một nguyên nhân gây ra khủng hoảng lương thực ở 23 quốc gia (2/3 trong số đó ở châu Phi) và khiến khoảng 39 triệu người phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng. Hạn hán kéo dài khiến mất mùa liên tiếp xảy ra tại các quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng nghiêm trọng tại các nước ở Đông và Nam châu Phi.
Hạn hán và mất mùa cũng đồng thời khiến giá lương thực, thực phẩm tăng phi mã và người nghèo, phần lớn là phụ nữ và trẻ em là những đối tượng phải gánh chịu tác động trực tiếp.
Báo cáo nhấn mạnh rằng trước tình trạng nạn đói ngày càng nằm ngoài tầm kiểm soát, cộng đồng quốc tế cần phải thực hiện nhiều hành động cấp bách và quyết liệt để cứu sống những người đang chịu ảnh hưởng nặng nề, cải thiện sinh kế và giải quyết các vấn đề gốc rễ gây ra cuộc khủng hoảng lương thực./.
Dương Thái
(Theo BBC News)