Tin từ hãng BBC ngày 2/6 cho hay, Ủy ban điều tra của LHQ đã đưa ra hai cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người đối với quân đội Chính phủ Libya. Trước đó, các nhà hoạt động nhân quyền quốc tế cũng tuyên bố đã tìm thấy bằng chứng về tội giết người, đánh đập dã man những người biểu tình chống chính phủ của quân đội Libya.
Theo đó, quân đội chính phủ đã được phép hành động theo lệnh trực tiếp từ Tổng thống Moammar Gadhafi và một số quan chức cấp cao trong chính quyền. Ủy ban điều tra cũng khẳng định, khoảng 10.000-15.000 người đã thiệt mạng trong các vụ giao tranh giữa các bên ở Libya từ hồi tháng 2 đến nay.
Để có thêm bằng chứng cho lập luận của mình, một nhóm gồm 3 thành viên của Ủy ban điều tra cũng đã gặp, phỏng vấn và nói chuyện với 350 viên chức, quan chức trong Chính phủ Libya cùng một số người dân và thành viên của lực lượng chống đối đang sống tại các trại tị nạn dành cho người Libya ở nước ngoài.

|
Bệnh viện ở Misratas quá tải bởi số người bị thương trong các vụ không kích và đọ súng. |
Trong quá trình thu thập tư liệu và điều tra, 3 người này gồm giảng viên luật Đại học DePaul ở Chicago (Mỹ) Cherif Bassiouni; thành viên trong Hội thẩm đoàn Jordan Asma Khader và cựu thẩm phán Tòa án hình sự quốc tế (ICC) người Canada Philippe Kirsch còn phát hiện ra rằng, lực lượng chống đối ở Libya cũng phạm tội ác chiến tranh. Ba nhà điều tra khẳng định, các hành động lạm quyền của lực lượng chống đối Libya cấu thành tội ác chiến tranh.
Những nhận định này đều được Ủy ban điều tra của LHQ đưa vào bản cáo cáo dài 92 trang trình lên Hội đồng nhân quyền LHQ và được công bố tại Geneva (Thụy Sĩ) hôm 1/6.
Trong khi đó, phát ngôn viên Chính phủ Libya Moussa Ibrahim tiếp tục lên án các vụ không kích của NATO và cho biết, gần 800 người thiệt mạng và hơn 4.000 người khác bị thương kể từ khi NATO mở chiến dịch quân sự nhằm vào nước này.
Điều mà chính quyền Tripoli lo ngại hiện nay là số dân thường thiệt mạng hoặc thương vong có thể gia tăng khi NATO tuyên bố gia hạn chiến dịch không kích thêm 90 ngày nữa sau khi kết thúc chiến dịch đầu tiên vào 27/6. Và như để chứng minh cho đe dọa của mình, sáng 2/6, NATO tiếp tục không kích liên tục vào một loạt cơ sở của chính quyền Tổng thống Moammar Gadhafi tại thủ đô Tripoli.
 |
Nước mắt của những người mẹ mất con, mất người thân trong các vụ đụng độ giữa các bên. Ảnh: Reuters. |
Riêng tại thủ phủ của lực lượng chống đối ở Benghazi, một tiếng nổ lớn cũng phát ra từ khách sạn Tebesty nơi có các nhà ngoại giao nước ngoài đang trú ngụ. Hiện người ta chưa rõ vụ nổ này có liên quan đến quân đội chính phủ Libya hay không.
Hãng MNSBC cho hay, với những tuyên bố mới của Ủy ban điều tra của LHQ, rất có thể, NATO sẽ sử dụng như một vũ khí nhằm sớm tìm kiếm được lệnh trừng phạt mới từ Hội đồng Bảo an LHQ nhằm vào Libya. Hơn thế nữa, khẳng định của Bộ trưởng Dầu mỏ Libya Shukri Ghanem về hành động "đào ngũ" của mình cũng sẽ được "lợi dụng" triệt để.
Với tuyên bố không rời bỏ đất nước của ông Moammar Gadhafi, NATO đang cố siết chặt vòng vây đối với người đứng đầu chính phủ Libya bằng việc mua chuộc thêm nhiều quan chức Chính phủ Libya tố tội Tổng thống. Sự góp mặt của ông Shukri Ghanem trong đội ngũ này đã được coi là một "thành công lớn".
Hiện còn khoảng 13 quan chức cấp cao khác của Libya, trong đó có nhiều tướng lĩnh quân đội đã rời bỏ quê hương, chạy sang cảng Ketf ở Tunisia để cầu cứu sự giúp đỡ của phương Tây. Đây là nhóm binh sĩ thứ 2 rời bỏ Tổng thống Moammar Gadhafi trong vòng 1 tuần qua
Theo Sông Thương
CAND