Số nhà báo bị sát hại gia tăng đáng lo ngại
Thứ sáu, 21/12/2018 14:12 (GMT+7)
Ủy ban bảo vệ các nhà báo (CPJ) vừa đưa ra số liệu thống kê đáng lo ngại cho thấy, số nhà báo bị giết hại trên thế giới để trả thù vì công việc của họ đã tăng gần gấp đôi trong năm 2018 với con số ghi nhận là 53 trường hợp.
Jamal Khashoggi, một trong những nhà báo bị sát hại trong năm 2018. (Ảnh: Reuters)
Cụ thể, ủy ban có trụ sở tại New York (Mỹ) này cho biết, tính đến ngày 14/12, đã có ít nhất 34 nhà báo trở thành các mục tiêu tấn công và sát hại để trả đũa vì công việc của họ. Số liệu thống kê cũng cho thấy, trong năm 2018, ít nhất đã có 53 nhà báo thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ. Điều này đã phản ánh mức độ gia tăng các vụ tấn công có chủ ý nhằm vào các nhà báo, so với con số 18 trường hợp nhà báo bị sát hại vì các hành vi trả đũa trong tổng số 47 trường hợp nhà báo thiệt mạng mà CPJ ghi nhận được trong năm 2017.
Cũng trong bản báo cáo thường niên công bố ngày 19/12, CPJ cho biết, số các nhà báo bị bắt giam trên toàn thế giới cũng đang có xu hướng tăng. CPJ cho rằng, tình hình đang diễn biến đa dạng và phức tạp, có mối liên hệ mật thiết với những thay đổi về công nghệ cho phép nhiều người có thể hành nghề báo chí, cũng như việc các nhà báo bị lợi dụng để truyền bá thông điệp của các nhóm tội phạm hay các nhóm chính trị. CPJ cũng cho rằng, vẫn chưa có sự bảo vệ tiêu chuẩn quốc tế đối với quyền của các nhà báo.
Báo cáo trên được CPJ đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF) có trụ sở tại Paris (Pháp) công bố số liệu thống kê cho biết, xét trên phạm vi toàn thế giới, đã có 63 nhà báo bị thiệt mạng trong năm 2018. Theo RSF, số liệu trên được đưa ra dựa trên cơ sở thống kê các vụ việc diễn ra từ đầu tháng 1 đến đầu tháng 12/2018. Cũng theo RSF thì số các nhà báo bị sát hại trong năm 2018 nhiều hơn năm ngoái 8 trường hợp. Afghanistan tiếp tục là nơi nguy hiểm nhất đối với các nhà báo khi ghi nhận tới 15 trường hợp thiệt mạng, tiếp theo sau là Syria, Mexico và Yemen với lần lượt 11; 9 và 8 trường hợp.
Cả CPJ và RSF đều tiến hành điều tra và xác minh từng trường hợp nhà báo bị sát hại trước khi đưa ra số liệu chính thức. Tuy nhiên, sự chênh lệch về con số thống kê từ hai tổ chức này xuất phát từ sự khác biệt về tiêu chí đánh giá. Ví dụ, RSF đã tính cả trường hợp 2 nhà báo bị thiệt mạng khi đang tác nghiệp đưa tin về một cơn bão. Trong khi CPJ lại liệt kê số vụ các nhà báo bị sát hại vì trả đũa trong công việc, bị thiệt mạng trong các cuộc giao tranh hay đang thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm khác.
Trên thực tế, việc bảo đảm những tiêu chuẩn tác nghiệp an toàn cho các nhà báo từ lâu vẫn là một vấn đề được dư luận quan tâm và điều này đóng vai trò không thể thiếu trong những nỗ lực thúc đẩy dân chủ, quyền tự do ngôn luận. Tuần trước, Tạp chí Time đã bình chọn một số nhà báo bị cầm tù và sát hại là “nhân vật của năm 2018”, gồm nhà báo Jamal Khashoggi, nhà báo Maria Ressa, nhà báo Walone, nhà báo Kyaw Soe Oo./.
Theo dangcongsan.vn