Căng thẳng ngoại giao lớn nhất sau Chiến tranh Lạnh
Mở màn cho chiến dịch tấn công ngoại giao vào Nga là tuyên bố của bà Thủ tướng Anh Theresa May rằng: “Nga nhiều khả năng đứng sau vụ đầu độc điệp viên Skripal bằng chất độc thần kinh Novichok tìm thấy ở hiện trường”, mặc dù chưa đưa ra bằng chứng xác thực nào. Theo đó, London lập tức trục xuất 23 nhà ngoại giao của Nga, tiếp theo là các đồng minh Mỹ và châu Âu đã đồng loạt theo gót Anh làm cho hàng trăm nhà ngoại giao Nga phải rời nhiệm sở lên đường về nước. Nga tuyên bố sẽ đáp trả tương ứng, khiến chiến dịch tấn công ngoại giao của phương Tây nhằm vào Moscow được giới nghiên cứu và dư luận đặc biệt quan tâm.
Tính đến ngày 26/3, đã có hơn 100 nhà ngoại giao Nga đã bị hơn 20 nước phương Tây trục xuất, trong đó có Mỹ, các thành viên Liên minh châu Âu, Australia, Canada, Ukraine với lý do để trả đũa vụ đầu độc điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal cùng con gái Yulia tại Anh hồi đầu tháng 3 vừa qua.
Trước đó, ngày 23/3 Anh đã trục xuất 32 nhà ngoại giao Nga với lý do trên. Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố rằng: “Nếu mục tiêu của Kremlin là chia rẽ và đe dọa khối đoàn kết liên minh của phương Tây, thì những nỗ lực của họ phải nhận lại hậu quả ghê gớm”.
Trong chiến dịch này, Ba Lan thông báo quyết định trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga, tiếp đó là Lithuania 3 người, Hà Lan 2 người, Ukraine 13 người, CH Séc 3 người, Đan Mạch 2 người, Pháp 4 người, Đức 4 người, Italia 2 người, Canada 4 người... Đặc biệt, Mỹ đã quyết định trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga, đồng thời đóng cửa tòa lãnh sự ở thành phố Seatle.
Nga ngay lập tức gọi hành động của phương Tây là “một cử chỉ khiêu khích” và khẳng định nước này sẽ trả đũa hành động trục xuất ngoại giao hàng loạt này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng Anh đang áp đặt một phong trào chống lại Nga lên các nước châu Âu, mặc dù không đưa ra được bằng chứng nào xác thực.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu rõ, Paris và Berlin nhìn nhận vụ tấn công này như “một thách thức nghiêm trọng với an ninh và là một đòn tấn công nhằm vào chủ quyền châu Âu” và kêu gọi Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên kiên định trong cách phản ứng với vấn đề.
Giới phân tích cho rằng, có thể đây chỉ là động thái khẳng định phương Tây kiên định chiến lược “Đông tiến” của NATO đối với Nga, và đây có thể là cuộc diễn tập tấn công ngoại giao, trong bối cảnh sự rạn nứt của NATO và nguy cơ tan rã của Liên minh châu Âu vẫn hiện hữu.
Cuộc tấn công ngoại giao nhằm vào Nga của các nước phương Tây lần này được ghi nhận có quy mô lớn nhất từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay và chắc chắn hậu quả mà nó để lại cho cả hai bên sẽ không hề nhỏ.
Việc Liên minh châu Âu đưa ra tuyên bố đứng về phía Anh trong vụ tranh cãi ngoại giao với Nga về cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal, được giới ngoại giao Nga đánh giá như một cử chỉ “ngoại giao” để bày tỏ sự ủng hộ đối với Thủ tướng Anh Theresa May.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) Konstantin Kosachev cho rằng, tất cả những hành động chống Nga đều nhằm mục đích thực sự là giải quyết những vấn đề nội bộ như đánh lạc hướng dư luận về chi phí của Anh cho quá trình Brexit, tăng ngân sách quốc phòng NATO, chính sách kinh tế trước nguy cơ sụp đổ.
Ông Kosachev tuyên bố, Liên minh châu Âu đang giải quyết những vấn đề nội bộ của mình bằng cách làm xấu quan hệ với Nga vì cho rằng “thừa cơ chống Nga” có thể xóa bỏ tất cả bổn phận đối với người dân của mình.
Trong chưa ấm, ngoài chưa êm
Ngày 22/3, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu đã khai mạc tại thủ đô Brussels, Bỉ, với các chủ đề quan trọng của khối hiện nay, bao gồm tình hình căng thẳng trong quan hệ Anh – Nga, trao đổi thương mại với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu và Anh giai đoạn hậu Brexit.
Theo giới quan sát, căng thẳng nhất trong ngày họp đầu tiên là xoay quanh quan hệ Nga - Anh. Chính phủ Thủ tướng Theresa May đã thành công trong việc thuyết phục Brussels đứng về phía London trong vấn đề này. Tuy nhiên, trước đó, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov bày tỏ hy vọng ở “sự sáng suốt tối thiểu” của Liên minh châu Âu trước sự tạo cớ và áp đặt biện pháp chống Nga.
Trên thực tế cho thấy, châu Âu vẫn có sự chia rẽ trong các cáo buộc Nga phải chịu trách nhiệm trong vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái ông ta ở Salisbury (Anh). Theo đó, một số quốc gia như Hy Lạp, Áo… đã tuyên bố sẽ không thực hiện biện pháp trả đũa.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho rằng việc Liên minh châu Âu ra quyết định triệu hồi đại sứ Liên minh châu Âu tại Nga là một quyết định chưa từng có tiền lệ. Song ông cũng thừa nhận hiện Liên minh châu Âu vẫn còn chia rẽ về các biện pháp với Nga và sẽ khó có khả năng cả khối sẽ cùng thực hiện biện pháp trục xuất các nhà ngoại giao Nga.
Chuyên gia Gleb Kuznetsov, một nhà tư vấn chính trị làm việc cho điện Kremlin nhận xét rằng: “phương Tây đang chia rẽ” thực sự trước thực tế rằng ông Putin sẽ tiếp tục nắm quyền, bởi “chiến thắng của ông Putin chứng tỏ cho phương Tây thấy lòng yêu mến của người dân đối với ông ấy, và sức ép từ phương Tây là vô nghĩa”.
Ngoài ra, nội bộ phương Tây vẫn còn nhiều khó khăn phải giải quyết như: đàm phán quan hệ thương mại với Anh thời hậu Brexit; các hiệp định FTA với Canada, Nhật Bản, Singapore, Việt Nam; thương lượng với khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), Mexico; đàm phán với Australia và New Zealand...
Tuy nhiên, việc nhất trí thông qua đường lối chung về đàm phán thương mại với Liên minh châu Âu không thể che giấu một thực tế rằng các nước Liên minh châu Âu vẫn còn nhiều mâu thuẫn xung quanh vấn đề Brexit, nhất là vấn đề đóng góp tài chính để bù đắp khoản thiếu hụt trong ngân sách chung hậu Brexit.
Như vậy, trong bối cảnh phương Tây đang còn trong giai đoạn ngổn ngang với nhiều sự kiện phức tạp, Liên minh châu Âu, NATO từ lâu đã không còn là một khối thống nhất như trước đây, sự chia rẽ các thành viên của khối ngày càng nới rộng. Vì thế, sự kiện điệp viên hai mang bị đầu độc ở Anh, đang là cái cớ để phương Tây củng cố đoàn kết nhằm khẳng định tiếp tục chiến lược “Đông tiến” nhằm vào Nga.
Tuy nhiên, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, nước Anh nên nhớ bài học “nhầm lẫn” tình báo dẫn đến việc cựu Thủ tướng Anh Tony Blair phải xin lỗi về “sai lầm” trong cuộc tiến quân vào Iraq do Mỹ lãnh đạo năm 2003 đã châm ngòi cho các cuộc xung đột hiện nay trong khu vực, nhất là sự xuất hiện của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở ở Iraq và Syria./.
Theo Nguyễn Nhâm/dangcongsan.vn