Sự thật sốc về lỗ thủng bí ẩn ở trạm vũ trụ quốc tế
Thứ năm, 03/01/2019 07:19 (GMT+7)
Phi hành gia Nga xác nhận lỗ thủng bí ẩn trên tàu vũ trụ gắn với trạm vũ trụ quốc tế (ISS) được khoan từ bên trong, song tới giờ các nhà điều tra vẫn không biết tại sao nó xuất hiện.
Đã 4 tháng trôi qua kể từ khi các nhà du hành vũ trụ phát hiện một lỗ thủng trong tàu vũ trụ Soyuz của Nga, vốn gắn với phòng thí nghiệm quỹ đạo.
Hồi đầu tuần này, phi hành gia Nga Sergey Prokopyev cho biết, các cơ quan hành pháp Nga hiện đang kiểm tra các mẫu vật mà ông và đồng nghiệp Oleg Kononenko thu thập được trong lần bước ra ngoài vũ trụ hôm 12/12 nhằm tìm ra nguyên nhân khiến lỗ thủng xuất hiện.
Phi hành gia Prokopyev và hai nhà du hành vũ trụ khác đã trở lại trái đất vào tuần trước, sau sứ mệnh dài 197 ngày trên trạm vũ trụ. Lỗ thủng trên tàu vũ trụ Soyuz của Nga, lúc đó đang gắn với trạm vũ trụ quốc tế, được tìm thấy vào ngày 30/8.
Chỉ vài ngày trước khi quay lại trái đất, các phi hành gia đã có chuyến đi ra ngoài khoảng không kéo dài 8h để điều tra về lỗ thủng trên. Họ dùng dao và kéo để tạc vào vỏ ngoài của ISS. Họ thấy rằng lỗ thủng làm hao hụt một chút áp suất và vá lỗ thủng.
Lỗ thủng không gây nguy hiểm cho phi hành gia Prokopyev và những bạn đồng hành là Serena Aunon thuộc NASA và Alexander Gerst thuộc Cơ quan vũ trụ châu Âu, trong quá trình trở về trái đất vì nó nằm ở phần bị vứt bỏ khi tàu vũ trụ tái nhập khí quyển trái đất.
Lãnh đạo Roscosmos của Nga Dmitry Rogozin hồi tháng 9 cho biết, lỗ thủng có thể xuất hiện trong quá trình chế tạo hoặc bị khoan trong quỹ đạo. Dù quan chức này không đỗ lỗi cho các phi hành gia, nhưng tuyên bố trên gây rạn nứt giữa Roscosmos và NASA.
Theo Vietnamnet