"Nhiệm vụ là bôi nhọ Nga và những gì chúng ta đang chứng kiến bây giờ là một phần của chiến dịch bài Nga dài hạn không thể ngăn chặn. Đó không chỉ là vấn đề của nước Nga, mà là vấn đề của người Nga và nhân dân Nga", bà nói.
Trước đó, hôm 26.3, một số nước Châu Âu, bao gồm Pháp, Đức, Ba Lan, các quốc gia vùng Baltic và Ukraina, cũng như Mỹ và Canada công bố quyết định trục xuất khoảng 100 nhà ngoại giao Nga.
Cũng trong chương trình này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh, Mátxcơva sẽ có các biện pháp đáp trả.
"Sẽ có phản ứng đáp trả với mọi việc diễn ra ngày hôm nay. Các biện pháp phù hợp sẽ được thực hiện với từng quốc gia, cả việc trục xuất các nhà ngoại giao cũng như đóng cửa Tổng lãnh sự quán Nga tại Seattle", Tass dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga.
Hôm 26.3, Mỹ tuyên bố trục xuất 48 nhà ngoại giao Nga và 12 thành viên của Phái đoàn Thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc ở New York. Ngoài ra, Tổng Lãnh sự quán Nga tại Seattle, Washington, sẽ đóng cửa.
"Đây là lần trục xuất các nhân viên tình báo Nga khỏi Mỹ lớn nhất trong lịch sử. Mỹ thực hiện hành động này cùng với các đồng minh NATO và các đối tác của chúng tôi trên toàn thế giới để đối phó với cuộc tấn công vũ khí hóa học cấp quân sự do Nga tiến hành trên lãnh thổ Anh", Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman ra tuyên bố hôm 26.3.
Theo người đứng đầu phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Nga, những động thái này giúp nước Mỹ an toàn hơn khi hạn chế khả năng của Nga trong theo dõi người Mỹ và thực hiện các hoạt động bí mật đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.
Trước đó, Anh cũng trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào về sự liên quan của Nga trong vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal, đồng thời tuyên bố các biện pháp trừng phạt khác sẽ được đưa ra.
Mátxcơva đáp trả khi trục xuất số nhà ngoại giao Anh tương đương khỏi Nga và lệnh đóng Tổng Lãnh sự quán Anh tại St Peterburg cũng như đóng cửa văn phòng Hội đồng Anh tại Nga.