8 nhóm nội dung định hướng Chương trình thanh tra ngân hàng năm 2023

Thứ sáu, 06/01/2023 13:22
(ThanhtraVietNam) - Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã bám sát yêu cầu của Thanh tra Chính phủ để tham mưu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề xuất nội dung xây dựng Định hướng chương trình thanh tra. Có 3 nhóm nội dung thanh tra hành chính, 5 nhóm nội dung thanh tra chuyên ngành ngân hàng đã được xác định để triển khai trong năm 2023.

Định hướng phù hợp mục đích, yêu cầu thanh tra

Hoạt động thanh tra nhằm phát hiện hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực…

Cơ quan Thanh tra, giám sát (TTGS) ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện chức năng tham mưu, giúp Thống đốc NHNN quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quản lý nhà nước về TTGS ngân hàng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành…

Cơ quan này khẳng định, hằng năm đã bám sát yêu cầu của Thanh tra Chính phủ để tham mưu Thống đốc đề xuất nội dung xây dựng Định hướng chương trình thanh tra hằng năm; về cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; bám sát mục tiêu, yêu cầu quản lý nhà nước về công tác thanh tra của ngành Ngân hàng.

Nội dung định hướng chương trình thanh tra đảm bảo phù hợp mục đích, yêu cầu đối với thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.

Theo đó, mục đích của hoạt động thanh tra chuyên ngành là phát hiện sơ hở, bất cập trong quản lý, điều hành, cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng để kiến nghị cấp có thẩm quyền chấn chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách, quy định pháp luật của Nhà nước, của ngành Ngân hàng. Phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các rủi ro có nguy cơ gây mất an toàn trong hoạt động; phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong ngành Ngân hàng và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng.

Góp phần đảm bảo việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiền tệ, ngân hàng, phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của NHNN; đảm bảo sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Hoạt động này cần đúng tinh thần Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ như: Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc…

Đồng thời, phải có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng được các yêu cầu quản lý nhà nước về tiền tệ, ngân hàng, cơ cấu lại, xử lý nợ xấu và hỗ trợ tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, đúng pháp luật.

Tập trung thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh rủi ro, tiêu cực, tham nhũng, sai phạm và được dư luận xã hội, các cơ quan quản lý quan tâm và chú trọng việc thực hiện có hiệu quả các kiến nghị, kết luận, quyết định xứ lý sau thanh tra, giám sát.

Đánh giá đúng thực trạng, chất lượng, hiệu quả về việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định của pháp luật và việc triển khai các giải pháp cơ cấu lại, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

leftcenterrightdel
Một trong những yêu cầu của hoạt động thanh tra là hỗ trợ tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, đúng pháp luật. Ảnh minh họa. 

Thanh tra đầu tư, bảo lãnh phát hành, phân phối trái phiếu doanh nghiệp

Định hướng thanh tra năm 2023 của NHNN gồm 3 nội dung thanh tra hành chính là: thanh tra việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thống đốc, việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, quy định nội bộ; việc tổ chức, thực hiện nhiệm vụ quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối theo quy định của pháp luật, theo phân công, ủy quyền của Thống đốc; việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra và thanh tra hoạt động phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc và ngoài NHNN trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Trong khi đó, 5 nhóm nội dung thanh tra chuyên ngành gồm:

Một là, thanh tra các khoản cấp tín dụng; việc cho vay chéo khách hàng của các ngân hàng; việc thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 và các văn bản sửa đổi, bổ sung; việc thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 và Thông tư 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022.

Hai là, thanh tra đánh giá thực trạng tài chính, kết quả kinh doanh, lãi dự thu và phí phải thu, hoạt động huy động vốn và cấp tín dụng, tập trung vào các nội dung: các khoản cấp tín dụng; việc chấp hành các quy định pháp luật về cơ cấu nợ, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, xử lý, thu hồi nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.

Ba là, thanh tra công tác quản trị, điều hành, quản lý rủi ro của các tổ chức tín dụng, tập trung vào các nội dung: về hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ; việc chấp hành các quy định về giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động.

Bốn là, thanh tra công tác xử lý nợ xấu, hạn chế nợ xấu (bao gồm việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng); việc thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và việc thực hiện chỉ đạo của NHNN, cấp có thẩm quyền về cơ cấu lại, xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.

Năm là, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ngoại hối và phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố (theo Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 5/8/2022); hoạt động đầu tư, góp vốn, mua cổ phần của các tổ chức tín dụng; hoạt động ủy thác đầu tư và các tài sản khác; hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo lãnh phát hành, phân phối trái phiếu doanh nghiệp; việc chấp hành các quy định về an toàn kho quỹ, công tác an ninh bảo vệ đối với trụ sở, địa điểm giao dịch; việc thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng thông qua các hợp đồng hợp tác kinh doanh…
Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra