Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam:

Bài 1: Chậm giải ngân vốn đầu tư công nhiều dự án

Thứ ba, 26/03/2024 14:00
(ThanhtraVietNam) - Qua thanh tra cho thấy, việc giải ngân vốn đầu tư công tại Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam chưa đạt kế hoạch.
leftcenterrightdel
Bờ biển Hội An bị xói lở nghiêm trọng, nhưng Dự án Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An đạt tỷ lệ giải ngân còn thấp. Ảnh: L.T. 

Tại Kết luận Thanh tra số 02/KL-TTT về việc giải ngân vốn đầu tư công các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ, nguồn vốn ngân sách tỉnh năm 2022 và năm 2023 tại Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam, Thanh tra tỉnh Quảng Nam đã nhận định việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch ở từng thời điểm, từng năm.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam (gọi tắt là Ban Quản lý dự án) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, được thành lập theo Quyết định số 81/QĐ-UBND ngày 11/01/2016 của UBND tỉnh Quảng Nam, có tài khoản và con dấu riêng, hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính, tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.

Ban Quản lý dự án tiếp nhận và quản lý sử dụng vốn để đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật; thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của chủ đầu tư và quản lý, thực hiện dự án trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật kể từ giai đoạn chuẩn bị dự án đến khi nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng và quyết toán, tất toán dự án theo quy định đảm bảo tính hiệu quả của dự án, tuân thủ theo quy định của pháp luật. Ban Quản lý dự án được thực hiện hoạt động tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát và tư vấn đầu tư xây dựng do đơn vị, tổ chức khác làm chủ đầu tư phù hợp với năng lực chuyên môn và theo quy định của pháp luật.

Qua báo cáo, kết quả kiểm tra hồ sơ và kết quả kiểm tra thực tế hiện trường một số dự án cho thấy, tính đến ngày 31/10/2023, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam đang thực hiện 14 dự án, công trình; trong đó, có 07 dự án, công trình có tỷ lệ giải ngân đạt trên 90%, 04 dự án có tỷ lệ giải ngân đạt trên 50% và 03 dự án có tỷ lệ giải ngân thấp (Dự án Hồ Suối Thỏ đạt 5,6%; Dự án Nâng cấp mở rộng Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá An Hòa kết hợp Tam Quang đạt 6,5%; Dự án Kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại đoạn từ UBND phường Cẩm An đến khu vực An Bàng đạt 44%).

Một số dự án số dư tạm ứng vốn đầu tư công còn khá lớn (đã có khối lượng nhưng Chủ đầu tư chưa lập hồ sơ thanh toán thu hồi tạm ứng) như: Dự án Phát triển vùng sản xuất hạt giống lúa lai tại Quảng Nam (hơn 7,4 tỷ đồng); Kè Sông Trường (tạm ứng hơn 6,3 tỷ đồng); Sửa chữa, nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá An Hòa (giai đoạn 1) (tạm ứng gần 9,85 tỷ đồng); Củng cố, nâng cấp đê biển Bình Dương, Bình Đại, Bình Đào (tạm ứng gần 6 tỷ đồng); Kênh N22 Bắc Phú Ninh (tạm ứng hơn 3 tỷ đồng).

02 dự án có số dư tạm ứng lớn, tuy nhiên chưa đến hạn thu hồi: Sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước Hồ 3/2, Nước Rin, Đập Quang, Đá Chồng do mới khởi công xây dựng trong tháng 8/2023 (tạm ứng gần 7,1 tỷ đồng) và Kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại đoạn từ UBND phường Cẩm An đến khu vực An Bàng (tạm ứng gần 52 tỷ đồng) do khởi công trong tháng 11/2023 nên chưa đủ giá trị khối lượng để thu hồi tạm ứng.

Liên quan đến tình hình giải ngân vốn các dự án theo kế hoạch năm (2022, 2023) của Ban quản lý dự án, qua thanh tra, Thanh tra tỉnh Quảng Nam nhận định:

Năm 2022, tổng vốn kế hoạch giao là 314,108 tỷ đồng (trong đó vốn năm 2021 kéo dài là 7,953 tỷ đồng). Tổng giá trị khối lượng thực hiện khoảng 242,5 tỷ đồng. Tổng giá trị giải ngân năm 2022 là 217,064 tỷ đồng đạt 69,1% (trong đó vốn năm 2021 kéo dài giải ngân đạt 100%). Tổng số vốn hủy trong năm là 97,713 tỷ đồng (nguồn vốn ODA: 87,090 tỷ đồng; nguồn NSTW: 623,494 triệu đồng). Trong năm 2022, Ban Quản lý dự án thực hiện quyết toán hoàn thành của 02 dự án, với tổng giá trị được phê duyệt quyết toán là 65,95 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2022, có 05 dự án giải ngân chưa đạt theo kế hoạch vốn: Đối với nguồn ngân sách tỉnh có 03 dự án là: Sữa chữa, nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá An Hòa (tỷ lệ giải ngân 86,2%); Hồ chứa nước Hố Do (tỷ lệ giải ngân 85,6%); Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, tỉnh Quảng Nam (AFD) (tỷ lệ giải ngân 43,3%); Đối với nguồn ngân sách Trung ương có dự án Củng cố, nâng cấp đê biển Bình Dương, Bình Đại, Bình Đào (tỷ lệ giải ngân 76,3%); Đối với nguồn ODA có Dự án Sửa chữa, nâng cao an toàn đập - WB8 (tỷ lệ giải ngân 54,2%).

Năm 2023, tổng vốn kế hoạch giao tại Ban quản lý dự án là 405,417 tỷ đồng (trong đó vốn năm 2022 kéo dài là 7,97 tỷ đồng). Đến 31/10/2023, tổng giá trị khối lượng thực hiện khoảng 110 tỷ đồng. Tổng giá trị giải ngân đến 31/10/2023 là 217,434 tỷ đồng đạt 53,63% (trong đó vốn năm 2022 kéo dài giải ngân 1,713 tỷ đồng đạt 21,49%). Trong năm 2023, Ban Quản lý dự án đang thực hiện công tác quyết toán hoàn thành của 01 dự án (chưa có quyết định phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành).

Đáng chú ý, năm 2023, tại Ban quản lý Dự án có 14 dự án giải ngân chưa đạt theo kế hoạch vốn. Cụ thể là:

Đối với nguồn ngân sách tỉnh có 10 dự án: (1) Dự án Phát triển vùng sản xuất hạt giống lúa lai tại Quảng Nam (tỷ lệ giải ngân 61,7%); (2) Kè Sông Trường (tỷ lệ giải ngân 64,7%); (3) Hồ Hố Do (tỷ lệ giải ngân 38,1%; trong đó vốn 2022 chuyển sang giải ngân đạt 28,1%, vốn cấp 2023 giải ngân đạt 54,8%); (4) Hồ Phước Hòa (tỷ kệ giải ngân 30,4%); (5) Sửa chữa, nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá An Hòa (giai đoạn 1) (tỷ lệ giải ngân 17,4%); (6) Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An (đối ứng) (tỷ lệ giải ngân 7% trong đó vốn 2022 chuyển sang giải ngân đạt 10,3%, vốn cấp 2023 giải ngân đạt 5%); (7) Kênh N22 Bắc Phú Ninh (tỷ lệ giải ngân 72,4%); (8) Sửa chữa và nâng cao an toàn đập WB8 (đối ứng) (tỷ lệ giải ngân 15,7%); (9) Nâng cấp mở rộng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá An Hòa kết hợp Tam Quang (tỷ lệ giải ngân 6,5%); (10) Cảng cá Tam Quang (tỷ lệ giải ngân 64,4%);.

Đối với nguồn ngân sách Trung ương có 04 dự án: (1) Củng cố, nâng cấp tuyến đê ngăn mặn Bình Dương, Bình Đại, Bình Đào (tỷ lệ giải ngân 0,2%); (2) Sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước (Hồ 3/2, Nước Rin, Đập Quang, Đá Chồng) (tỷ lệ giải ngân 71%); (3) Kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại đoạn từ UBND phường Cẩm An đến khu vực An Bàng (tỷ lệ giải ngân 44,5%); (4) Hồ Suối Thỏ (tỷ lệ giải ngân 1,6%).

Riêng đối với Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập WB8 (nguồn ODA) đạt tỷ lệ giải ngân 96%.

Tuy nhiên, đến thời điểm ngày 26/12/2023, theo Báo cáo của Ban Quản lý dự án, tổng giá trị giải ngân là 291,9 tỷ đồng đạt 72%, trong đó vốn năm 2022 kéo dài giải ngân 6,002 tỷ đồng đạt 75,3%. Ước giải ngân đến 31/12/2023 đạt 293,738 tỷ đồng đạt 72,45%. Ban Quản lý dự án đề xuất điều chuyển vốn các dự án không có khả năng giải ngân hết trong năm sang các dự án có nhu cầu để đảm bảo hiệu quả của nguồn vốn đầu tư.

(Còn nữa)

K. Dung

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra