Bộ Tư pháp tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra sau thanh tra

Thứ sáu, 26/04/2024 10:29
(ThanhtraVietNam) - Đó là một trong những định hướng của Bộ Tư pháp trong thời gian tới, qua đó đôn đốc các đơn vị đã từng là đối tượng thanh tra thực hiện và có báo cáo về việc thực hiện các kết luận thanh tra, quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời thành lập các Đoàn kiểm tra thực tế tại địa phương.

Bộ Tư pháp: Tập trung giải quyết đơn thư ngay từ lúc phát sinh

Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã thực hiện đảm bảo công tác thanh tra đối với các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ. Kết quả thanh tra cho thấy, một số đơn vị được thanh tra đã thực hiện tương đối tốt các quy định pháp luật có liên quan, tuy nhiên qua thanh tra cũng đã phát hiện một số trường hợp sai phạm, từ đó đã kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh và có các hình thức xử lý nghiêm minh để làm gương trong toàn ngành.

Quý I năm 2024, Bộ Tư pháp đã tiến hành 09 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất và tổ xác minh để giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong đó, có 05 đoàn thanh tra theo kế hoạch, 02 đoàn thanh tra đột xuất, 02 tổ xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Về thanh tra hành chính, Bộ đã triển khai 03 đoàn, trong đó có 01 đoàn đột xuất thực hiện chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ về Thanh tra chuyên đề trong hoạt động công vụ, hiện đã hoàn thành thanh tra tại địa phương và đang hoàn thiện các kết luận thanh tra.

leftcenterrightdel
 Hội nghị triển khai công tác năm 2024 của thanh tra Bộ Tư pháp. Ảnh:thanhtra.moj.gov.vn 

Bộ Tư pháp cũng đã triển khai 03 đoàn thanh tra chuyên ngành. Qua thanh tra cho thấy, một số đơn vị được thanh tra đã thực hiện tương đối tốt các quy định pháp luật chuyên ngành trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, các đối tượng được thanh tra còn một số vi phạm và sẽ được kiến nghị xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, Bộ đã triển khai 01 đoàn thanh tra đột xuất, 01 tổ kiểm tra và 01 tổ xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo. Hiện nay, các đoàn đều đã hoàn thành thời gian làm việc tại địa phương và đang lấy ý kiến giải trình của các cơ quan, đơn vị, hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra, báo cáo xác minh, thông báo kết quả kiểm tra.

Về công tác xây dựng lực lượng, hoàn thiện thể chế, sau khi Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra năm 2022, Nghị định về thanh tra chuyên ngành có hiệu lực Thanh tra Bộ đã quán triệt công chức đơn vị nghiên cứu những điểm mới để vận dụng có hiệu quả trong công tác chuyên môn.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường công tác kiểm tra sau thanh tra. Tích cực đôn đốc các đơn vị đã từng là đối tượng thanh tra thực hiện và có báo cáo về việc thực hiện các kết luận thanh tra, quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời thành lập các Đoàn kiểm tra thực tế tại địa phương.

Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như công tác tổ chức cán bộ; công tác quản lý, sử dụng ngân sách; công tác đầu tư xây dựng cơ bản; bán đấu giá tài sản; hộ tịch có yếu tố nước ngoài.

Tăng cường công tác thanh tra đột xuất, thanh tra các cơ quan, tổ chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật và các vấn đề bức xúc trong các lĩnh vực do Bộ Tư pháp quản lý mà xã hội quan tâm. Xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các hành vi vi phạm pháp luật; chỉ đạo công tác tự kiểm tra của các cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về từng lĩnh vực.

Cùng với đó, đẩy mạnh thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại các đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ Tư pháp nhằm đánh giá, kết luận trách nhiệm của đơn vị và người đứng đầu đơn vị được thanh tra trong việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót, hạn chế và những vấn đề còn bất cập, vướng mắc; làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, kiến nghị biện pháp khắc phục, xử lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức và biên chế của Thanh tra Bộ, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ; đề nghị bổ nhiệm, chuyển ngạch, nâng ngạch cho cán bộ thanh tra theo quy định. Tạo điều kiện để công chức thanh tra thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ thanh tra.

Tăng cường tuyên truyền, quán triệt Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng chống tham nhũng và các văn bản pháp luật về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Đa dạng hóa các hình thức, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo hướng chuyên sâu, nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu.

Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy có hiệu quả vai trò của các tổ chức đoàn thể và của viên chức, người lao động trong công tác phòng chống tham nhũng; xác định mục tiêu phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính; chủ động phát hiện và xử lý kịp thời những biểu hiện tiêu cực, hành vi vi phạm pháp luật của đảng viên, viên chức và người lao động./. 

PV

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra