“Đổi mới hoạt động ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học trong công tác thanh tra”

Thứ năm, 19/05/2022 11:09
(ThanhtraVietNam) - Đây là chủ đề Hội thảo khoa học do Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (Viện CLKHTT) tổ chức ngày 18/5, nhân kỷ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5/2014-18/5/2022).

Tham dự Hội thảo có đại diện Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải, Đại học Quốc gia Hà Nội, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh, Lai Châu, cùng toàn thể công chức, viên chức Viện CLKHTT. TS. Nguyễn Quốc Văn - Viện trưởng Viện CLKHTT chủ trì Hội thảo.

leftcenterrightdel
TS. Nguyễn Quốc Văn khái quát ý nghĩa ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và mục đích của Hội thảo - Ảnh: Việt Anh 

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Văn khái quát ý nghĩa ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và mục đích của Hội thảo. Theo đó, ngày Khoa học và Công nghệ là ngày tôn vinh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác khoa học và công nghệ trong cả nước nói chung, trong đó có Viện CLKHTT, Thanh tra Chính phủ nói riêng. Hội thảo được tổ chức chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ, đồng thời, nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chính sách và kết quả nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về vai trò của công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn trong việc xây dựng và phát triển ngành Thanh tra.

Theo TS. Nguyễn Quốc Văn, các kết quả nghiên cứu đề tài khoa học, các báo cáo khảo sát thực tiễn… do Viện CLKHTT, Thanh tra Chính phủ thực hiện đã có những đóng góp tích cực trong công tác thanh tra, trong công tác xây dựng thể chế, góp phần hoàn thiện pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, phòng, chống tham nhũng. Nhiều kết quả nghiên cứu đề tài đã có đóng góp tích cực vào công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền, phổ biến pháp luật chuyên ngành Thanh tra… Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vẫn còn những hạn chế trong công tác tuyên truyền, quảng bá kết quả nghiên cứu; chưa đa dạng về phương thức ứng dụng kết quả nghiên cứu; chất lượng một số đề tài khoa học còn hạn chế nên có ảnh hưởng nhất định trong công tác ứng dụng kết quả nghiên cứu… Do đó, TS. Nguyễn Quốc Văn bày tỏ mong muốn Hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu tham dự chia sẻ về những vấn đề này nhằm chuyển hóa kết quả nghiên cứu vào hoạt động thanh tra.

Chia sẻ về vấn đề tuyên truyền, quảng bá kết quả nghiên cứu, theo PGS, TS Doãn Hồng Nhung - Đại học Quốc gia Hà Nội, trong quá trình nghiên cứu đề tài đến khi hoàn thiện kết quả nghiên cứu, các đề tài có công bố kết quả nghiên cứu trên trang thông tin điện tử, tạp chí chuyên ngành, thông qua phiếu khảo sát, xuất bản sách…  là những hình thức quảng bá, giới thiệu kết quả nghiên cứu khá phổ biến và có hiệu quả.

Đánh giá cao kết quả nghiên cứu khoa học trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế ngành Thanh tra, theo TS. Trần Văn Trường - Phó Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải, việc ứng dụng kết quả nghiên cứu là động lực nghiên cứu khoa học, vấn đề ứng dụng kết quả nghiên cứu vào công tác thanh tra có ý nghĩa thực tiễn rất lớn cho sự phát triển của Ngành. Việc này được áp dụng từ quá trình nghiên cứu đến sau khi kết thúc nghiên cứu và cần có những kênh tuyên truyền khác nhau để tăng tính ứng dụng vào thực tiễn. Đồng thời, TS. Trần Văn Trường cũng nhấn mạnh “Để kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn, sản phẩm nghiên cứu phải gắn với thực tiễn công tác thanh tra, gắn với các hoạt động thực tiễn; người thực hiện sản phẩm nghiên cứu cần có uy tín khoa học; cần mở rộng phạm vi nghiên cứu để tăng cường tính ứng dụng; xây dựng cơ chế gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với xây dựng chính sách của Ngành; xây dựng cơ chế tài chính để ứng dụng kết quả nghiên cứu”.

Theo Chánh Thanh tra tỉnh Lai Châu Nguyễn Thanh Trì, hiện nay, chúng ta đang xây dựng Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi, Dự thảo có những vấn đề được quy định rõ thêm về thời hạn thanh tra, kết luận thanh tra, biên chế công chức thanh tra địa phương, điều kiện thành lập phòng chuyên môn còn có những bất cập, cần được bổ sung, sửa đổi và quy định cụ thể hơn; sự chồng chéo  trong hoạt động thanh tra còn tồn tại… Đây là những vấn đề cần nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo Thanh tra Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, đối với công tác nghiên cứu, cần chú trọng đến công tác tuyên truyền vấn đề cần nghiên cứu đến các đối tượng tiếp cận phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, kết quả nghiên cứu.

leftcenterrightdel
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chia sẻ và đóng góp ý kiến tại Hội thảo - Ảnh: Việt Anh 

Tại Hội thảo, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ hai vấn đề liên quan đến việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học trong công tác thanh tra gồm: (1) Các vấn đề cần ứng dụng vào công tác thanh tra, bao gồm: Tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo; thẩm quyền của cơ quan thanh tra; phạm vi thanh tra ở khu vực tư; phân định thanh tra và giám sát; tổ chức bộ máy nhân sự, điều kiện thành lập phòng ban, thanh tra; điểm dừng trong hoạt động thanh tra; kê khai, xác minh tài sản thu nhập…; (2) Cơ chế ứng dụng kết quả nghiên cứu vào hoạt động thanh tra, bao gồm: Cơ chế gắn với trách nhiệm của cơ quan đặt hàng; cơ chế thanh tra, kiểm tra giám sát việc nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và cơ chế ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học…

Để tăng tính ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, PGS-TS Trương Thị Hồng Hà - Ban Nội chính Trung ương đề xuất rằng, các kiến nghị kết quả nghiên cứu khoa học cần được gửi đến các cơ quan liên quan, các đại biểu quốc hội, đến những người làm thực tiễn… đó là một trong những phương thức đưa các kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn có hiệu quả. Đối với cơ quan thanh tra, các trang thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ, Viện CLKHTT là những trang tin có thông tin cập nhật và mang tính chuyên sâu. Do đó, bà Hà đề xuất, các kiến nghị của kết quả nghiên cứu khoa học cần được đăng tải lên trang tin điện tử để có độ lan tỏa rộng và tính ứng dụng cao hơn.

leftcenterrightdel
TS. Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ đóng góp ý kiến tại Hội thảo. Ảnh: Việt Anh

Theo TS. Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, để đổi mới công tác ứng dụng kết quả nghiên cứu, vấn đề trọng tâm nhất là cần nâng cao chất lượng và tính thực tiễn của kết quả nghiên cứu. Các vấn đề nghiên cứu cần bám sát vào thực tiễn thì kết quả ứng dụng sẽ được nâng cao. Bên cạnh đó, cần có sự quảng bá, tuyên truyền các kết quả nghiên cứu tới các nhóm đối tượng tiếp cận cần thiết…

Phát biểu kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Văn nhấn mạnh, Hội thảo có ý nghĩa thiết thực cả về mặt lý luận, khoa học và thực tiễn. Việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vừa là động lực, là mục tiêu và là trách nhiệm của công tác nghiên cứu khoa học…  Đồng chí chủ trì Hội thảo nhấn mạnh đến 05 vấn đề mà các đại biểu đã chia sẻ nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng kết quả nghiên cứu trong công tác thanh tra, bao gồm: Tăng cường cơ chế đặt hàng của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ ngành, địa phương; khai thác linh hoạt, đa dạng tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm kết quả nghiên cứu đến các địa chỉ có nhu cầu ứng dụng; tăng tính thực tiễn, giá trị và chất lượng các kết quả nghiên cứu; khuyến khích gắn kết người nghiên cứu với người quản lý, người làm công tác chuyên môn, người làm công tác thực tiễn để tăng tính ứng dụng; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn./.

Việt Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra