Ủy ban Dân tộc:

Hoạt động thanh tra cần bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm

Thứ ba, 16/01/2024 15:10
(ThanhtraVietNam) - Mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã phê duyệt Kế hoạch công tác thanh tra năm 2024 của Ủy ban Dân tộc, trong đó yêu cầu hoạt động thanh tra cần bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, sát với định hướng của Thanh tra Chính phủ, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với tình hình hiện nay.

Qua thanh tra, kiến nghị, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng yêu cầu, cần đổi mới trong thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra; ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động thanh tra; tập trung thanh tra các chương trình, chính sách, đề án, dự án lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Qua công tác thanh tra, đánh giá kết quả đạt được và những khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong việc thực hiện các chính sách, chương trình, Đề án đã thực hiện và việc triển khai các Chương trình, chính sách mới tại các địa phương, tổ chức, đơn vị; kiến nghị, đề xuất với các cấp, các ngành tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030. Kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân khắc phục hạn chế, thiếu sót, sai phạm, chấn chỉnh công tác quản lý; bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và cá nhân.

Thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ liên quan đến hoạt động thanh tra. Nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra công tác dân tộc; giữ gìn kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Nâng cao trách nhiệm của các vụ, đơn vị trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC). Thực hiện nghiêm các quy định Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành; các Chỉ thị, Nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC. Phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành liên quan và địa phương trong việc kiểm tra, giám sát, rà soát công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, kiến nghị giải quyết các vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp kéo dài, nhất là vụ việc phát sinh tại vùng đồng bào DTTS&MN.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực. Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

leftcenterrightdel
Ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (người đứng) phát biểu tại buổi công bố Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý tài chính, tài sản và một số chương trình, dự án đầu tư của Ủy ban Dân tộc, ngày 9/11/2023. Ảnh: K. Dung 

Thực hiện 09 cuộc thanh tra hành chính và chuyên ngành

Kế hoạch Thanh tra năm 2024 của Ủy ban Dân tộc được xây dựng chi tiết nội dung các mặt công tác: Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác tiếp công dân, xử lý đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác xây dựng lực lượng, xây dựng thể chế, cải cách hành chính, thi đua khen thưởng và công tác thanh tra. Trong đó, đáng chú ý nhất là các nội dung cụ thể về công tác thanh tra.

Theo đó, công tác thanh tra của Ủy ban Dân tộc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thực hiện; phối hợp xử lý tốt các mối quan hệ liên quan đến việc thực hiện kế hoạch thanh tra tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra; thực hiện việc giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra; thẩm định dự thảo kết luận thanh tra theo quy định. Tăng cường tổ chức tập huấn, hội thảo trao đổi nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ công chức thanh tra trong hệ thống cơ quan thanh tra công tác dân tộc từ trung ương đến địa phương. Thanh tra Ủy ban Dân tộc được giao chủ trì, phối hợp với các vụ, đơn vị của Thanh tra Chính phủ, Ban Dân tộc các địa phương tổ chức Hội nghị tập huấn, trao đổi về nghiệp vụ công thanh tra tại 03 khu vực: Miền núi phía Bắc, Miền Trung - Tây Nguyên và Tây Nam Bộ (lồng ghép với việc thực hiện TTPBGDPL).

Thanh tra Ủy ban Dân tộc có trách nhiệm triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thanh tra được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban phê duyệt; tổ chức các cuộc thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành đảm bảo chất lượng, hiệu quả, theo đúng quy định của pháp luật, gồm các nội dung sau:

Về thanh tra hành chính: Thực hiện 03 cuộc thanh tra hành chính đối với các vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc: (1) Thanh tra toàn diện việc thực hiện dự án SDPREM trên cơ sở các hồ sơ, chứng từ gốc của SDPREM tiếp nhận lại từ nhà tài trợ đối với Vụ Hợp tác quốc tế, Trung tâm chuyển giao KH&CN (Học viện Dân tộc) và các tổ chức, cá nhân có liên quan thuộc Ủy ban Dân tộc; (2) Thanh tra việc thực hiện Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018 - 2025” theo Quyết định số 771/QĐ- TTg ngày 26/5/2018, từ năm 2022 đến năm 2023 đối với Học viện Dân tộc; (3) Thanh tra việc thực hiện một số nội dung hỗ trợ thuộc các Tiểu dự án, Dự án 10 Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với các vụ, đơn vị: Tuyên truyền, Dân tộc thiểu số, Pháp chế, Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Ủy ban, Báo Dân tộc và Phát triển, Tạp chí Dân tộc, Vãn phòng Điều phối Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021- 2030 và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về thanh tra chuyên ngành: Thực hiện 06 cuộc thanh tra tại địa phương (Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Lào Cai, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Sóc Trăng) về việc thực hiện Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

K. Dung
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra