Gia Lai:

Khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc

Thứ hai, 11/03/2024 16:57
(ThanhtraVietNam) – UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ; giám sát, kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong xử lý công việc.

Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức quán triệt, tăng cường thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 280/CĐ-TTg, Công điện số 968/CĐ-TTg, Chỉ thị số 26/CT-TTg, Công văn số 9000/VPCP –TH và chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 698/UBND-NC nêu trên đến từng đơn vị, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.

Theo chức năng, nhiệm vụ và tình hình cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương để cụ thể hóa nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp như sau:

leftcenterrightdel
UBND tỉnh Gia Lai tổ chức triển khai nhiệm vụ công tác tháng 3 năm 2024 (ảnh https://gialai.gov.vn) 

Thứ nhất, xác định và đề cao trách nhiệm người đứng đầu và trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức, viên chức trong xử lý công việc; gắn với thực hiện nêu gương, thực hành dân chủ cơ sở, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấp hành nghiêm kết luận, chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh; tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Quy chế làm việc của UBND tỉnh, Quy chế làm việc của Ban cán sự đảng UBND tỉnh.

Thứ hai, chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc được phân cấp, ủy quyền theo quy định của pháp luật bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng; không trình, báo cáo công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị, địa phương mình đến UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh; hồ sơ vượt thẩm quyền khi trình UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo phải nêu rõ căn cứ pháp lý, chính kiến tham mưu, đề xuất của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Thứ ba, chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, công việc được giao; gắn với việc xây dựng Kế hoạch thực hiện cụ thể để đảm bảo đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch năm theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh. Duy trì việc tự kiểm tra, thường xuyên giám sát tiến độ thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao và kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh theo đúng quy định hiện hành và Quy chế làm việc của UBND tỉnh; không để trễ hạn, nợ đọng.

Thứ tư, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc; quy định, quy chế quản lý, tổ chức hoạt động và quy trình phân công, tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị, địa phương phù hợp tình hình thực tế, gắn với đánh giá hiệu quả, hiệu suất khối lượng công việc tại từng vị trí việc làm; tập trung cắt giảm, đơn giản hóa những quy trình, thủ tục không cần thiết, đồng thời với cụ thể hóa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc, rút ngắn thời gian giải quyết công việc.

Thứ năm, thực hiện nghiêm, không để xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; chỉ đạo, điều hành đảm bảo các công việc thuộc thẩm quyền phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời, rút ngắn thời gian và có hiệu quả. Kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cá nhân năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao. Kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền dẫn đến gây hậu quả theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước. Biểu dương, khen thưởng, thường xuyên động viên, khuyến khích kịp thời, đúng người, đúng việc đối với các tập thể, cá nhân có tinh thần trách nhiệm cao trong thi hành công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo, đột phá vì lợi ích chung.

Thứ sáu, khi phối hợp, giải quyết công việc thuộc thẩm quyền, chỉ lấy ý kiến các cơ quan liên quan trực tiếp đến nội dung công việc đó, không lấy ý kiến phối hợp của cơ quan không liên quan hoặc không cần thiết. Cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời đúng hạn, đúng chức năng, nhiệm vụ, có quan điểm, trách nhiệm rõ ràng; không trả lời chung chung, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm làm ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả xử lý công việc.

Thứ bảy, tổ chức quán triệt sâu rộng và thực hiện có hiệu quả Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, xây dựng môi trường thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm trong thực hiện trách nhiệm công vụ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc.

Thứ tám, thường xuyên chỉ đạo giải quyết thủ tục hành chính đúng quy trình quy định; tăng cường rà soát, tự kiểm tra các hồ sơ, thủ tục hành chính đang thực hiện để kiên quyết xử lý, không xảy ra tình trạng chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực, lãng phí nguồn lực, cơ hội của nhà nước, xã hội, người dân, doanh nghiệp; kiểm soát, kịp thời xử lý trường hợp đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết thủ tục hành chính.

Thứ chín, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ; giám sát, kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thứ mười, khẩn trương, tích cực thực hiện tốt công tác chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhằm nâng cao chất lượng, năng suất làm việc, gắn với công khai, minh bạch, cải tiến chất lượng các dịch vụ hành chính công.

Mười một, phát huy hiệu quả các kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh./.

An Khang

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra