Lạng Sơn: Kiên quyết xử lý việc không chấp hành kết luận thanh tra

Thứ sáu, 01/09/2023 13:59
(ThanhtraVietNam) - Các tổ chức thanh tra đã chủ động triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch thanh tra được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chất lượng các cuộc thanh tra được nâng lên, tuy nhiên, việc khắc phục các hạn chế, thiếu sót sau thanh tra, kiểm tra của một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chưa kịp thời, triệt để. UBND tỉnh này chỉ đạo, cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành các kết luận thanh tra, kiến nghị kiểm toán trong thời gian tới.

Báo cáo công tác thanh tra trình kỳ họp thường lệ giữa năm 2023 HĐND tỉnh của UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định, cơ quan này đã quan tâm chỉ đạo, quán triệt, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong đó, công tác thanh tra tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, gắn với thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Cụ thể, đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai công tác thanh tra đảm bảo bám sát định hướng của Thanh tra Chính phủ, phù hợp yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị.

Đồng thời, chỉ đạo rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

Tháng 11/2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch thanh tra năm 2023 của Thanh tra tỉnh và chỉ đạo tổ chức thực hiện Kế hoạch đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả; hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố ban hành Kế hoạch, triển khai thực hiện theo quy định.

Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra tiếp tục được các cấp, các ngành chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc.

Tháng 1/2023, UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch thanh tra năm 2023 bằng việc đưa ra khỏi kế hoạch 4 cuộc theo đề nghị của Kiểm toán nhà nước khu vực X và chỉ đạo xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với 79 doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
 Một kỳ họp của HĐND tỉnh Lạng Sơn khóa XVII. Ảnh: langson.gov.vn

Số liệu thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, các tổ chức thanh tra trên địa bàn đã triển khai 208 cuộc thanh tra, kiểm tra (tăng 21,6 % số cuộc so với cùng kỳ năm 2022, 208 cuộc/171 cuộc); đã kết thúc 161/208 cuộc.

Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm về kinh tế với số tiền 1.832,70 triệu đồng; kiến nghị thu hồi 1.494,57 triệu đồng; đã thu hồi 1.394,53 triệu đồng, đạt tỷ lệ 93,3%; giảm trừ thanh toán, quyết toán 149,87 triệu đồng; yêu cầu trả lại các cá nhân 188,26 triệu đồng.

Kết thúc 134/154 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đã phát hiện vi phạm về kinh tế 485,59 triệu đồng; kiến nghị thu hồi 147,46 triệu đồng, giảm trừ thanh toán, quyết toán 149,87 triệu đồng; yêu cầu trả lại các cá nhân 188,26 triệu đồng; đến thời điểm báo cáo đã thu hồi được 147,46 triệu đồng, đạt tỷ lệ 100% .

Kết thúc 5/10 cuộc thanh tra trách nhiệm đã phát hiện vi phạm về kinh tế 377,97 triệu đồng; kiến nghị thu hồi và đã thu hồi đủ 377,97 triệu đồng.

Kết quả 6/7 cuộc thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã kết thúc cho thấy, các cơ quan, đơn vị được thanh tra đã quan tâm triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN. Tuy nhiên, còn có một số đơn vị chưa thực hiện đúng, đầy đủ định mức, tiêu chuẩn, chế độ; việc quản lý, sử dụng kinh phí chưa đảm bảo trình tự, thủ tục; kết quả đã kiến nghị xử lý thu hồi 191,95 triệu đồng do vi phạm định mức, tiêu chuẩn, chế độ; đã thu hồi đạt 100%.

Qua công tác thanh tra, đã chuyển hồ sơ 2 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để xác minh, làm rõ; cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố 2 vụ án, quyết định khởi tố đối với 4 bị can.

Đáng chú ý, báo cáo của UBND tỉnh cũng nêu rõ, thời gian thanh tra trực tiếp một số cuộc thanh tra còn kéo dài; việc khắc phục các hạn chế, thiếu sót sau thanh tra, kiểm tra của một số cơ quan, đơn vị chưa kịp thời, triệt để.

Ngoài ra, số lượng cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công còn hạn chế, chủ yếu được lồng ghép với các nội dung thanh tra, kiểm tra về thực hiện các quy định phòng, chống tham nhũng, thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, ngân sách nhà nước, mua sắm trang thiết bị, hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Theo UBND tỉnh, những tồn tại, hạn chế có nguyên nhân từ việc thanh tra, kiểm tra ở một số cơ quan, đơn vị, địa bàn chưa được quan tâm thường xuyên; lực lượng công chức làm công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng ở cấp huyện, các sở, ngành thường xuyên có biến động, những công chức mới công tác trong ngành thiếu kinh nghiệm thực tiễn và cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực còn có sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để vi phạm, hành vi vi phạm ngày càng phức tạp, tinh vi, khó phát hiện.

Thời gian còn lại của năm 2023, các cơ quan hành chính trên địa bàn được chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra; tổ chức thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật; xử lý kịp thời, hiệu quả chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

Thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, chú trọng việc phát hiện, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, đảm bảo kết luận thanh tra được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả; kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành các kết luận thanh tra, kiến nghị kiểm toán.

Thái Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra