Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lí nhà nước về báo chí

Thứ hai, 08/01/2024 15:06
(ThanhtraVietNam) - Trước tình trạng “báo hoá” tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp vẫn còn tiếp diễn cũng với một số biểu hiện vi phạm khác, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) kiến nghị một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lí nhà nước về báo chí, tập trung vào công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Cơ bản các cơ quan báo chí thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền

Theo đánh giá chung, về cơ bản các cơ quan báo chí thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội; các sự kiện lớn, quan trọng của đất nước được báo chí phản ánh kịp thời, đầy đủ, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của nhân dân, góp phần củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Báo chí cũng thông tin sinh động về những tấm gương điển hình tiên tiến trong lao động, sản xuất, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, cống hiến, vượt lên khó khăn, phát triển đất nước. Nhiều giá trị văn hoá truyền thống của đất nước, con người Việt Nam được truyền tải trên nhiều nền tảng công nghệ, quảng bá hình ảnh đẹp của Việt Nam ra thế giới.

Bên cạnh đó, báo chí cũng kịp thời đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhiều cơ quan chủ quản báo chí đã nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm của mình đối với cơ quan báo chí, sát sao trong việc định hướng quản lí, giám sát, xử lí vi phạm của cơ quan báo chí; đặc biệt đã chú trọng, tăng cường khối lượng đặt hàng thực hiện tuyên truyền, nhiệm vụ chính trị, nhờ đó các cơ quan báo chí phần nào khắc phục được tình trạng khó khăn về tài chính…

Hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh

Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, trong thời gian qua, cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm, vi phạm pháp luật cần được thanh tra, kiểm tra, xử lý.

Theo thống kê năm 2023, lực lượng Thanh tra TT&TT tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn, chấn chỉnh tình trạng “báo hoá” tạp chí, “báo hoá” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí, đặc biệt là các nhóm đơn vị phát sinh nhiều vấn đề gây bức xúc dư luận xã hội, đã từng bị xử lí vi phạm nhưng vẫn tiếp tục tái phạm, không có sự chuyển biến, thay đổi; đơn vị có nhiều đơn thư phản ánh, có dấu hiệu nhũng nhiễu gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Với việc thành lập và vận hành Tổ công tác hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, xử lí vi phạm hành chính cho các Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong năm 2023, Tổ công tác đã hỗ trợ, tư vấn cho hơn 200 lượt vụ việc, qua đó giúp cho lực lượng thanh tra Sở TT&TT có nhiều bước tiến mới trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lí vi phạm trong hoạt động báo chí, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lí nhà nước, giảm tải cho các cơ quan Trung ương.

Các cơ quan chức năng của Bộ TT&TT và các Sở TT&TT tiếp tục triển khai giai đoạn 2 rà soát, xử lí vi phạm để chấn chỉnh, xử lí tình trạng “báo hoá” tạp chí, “báo hoá” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí, chấn chỉnh những tồn tại trong hoạt động liên kết; đã xử phạt nhiều tỉ đồng đối với 47 trường hợp vi phạm pháp luật về báo chí và 135 trường hợp vi phạm pháp luật về thông tin trên mạng.

Đặc biệt, 03 cơ quan báo chí có vi phạm nghiêm trọng đã bị tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 03 tháng; 01 cơ quan chủ quản bị xử phạt 335 triệu đồng do hoạt động báo chí trái phép. Bộ TT&TT đã thu hồi giấy phép của 01 cơ quan báo chí; đình chỉ hoạt động mạng xã hội 01 tháng đối với 01 doanh nghiệp; áp dụng biện pháp buộc gỡ bỏ ứng dụng thu thập thông tin tổng hợp trên các kho ứng dụng (Google Store và Apple Store); xử lí 169 tên miền gây nhầm lẫn với cơ quan báo chí, có dấu hiệu vi phạm pháp luật; ngăn chặn kịp thời một số trang thông tin điện tử tổng hợp hoạt động không có giấy phép.

Trong năm 2023, Bộ TT&TT cũng đã yêu cầu 131 cơ quan chủ quản báo chí rà soát, đánh giá và chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan chủ quản báo chí, qua đó nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí trực thuộc.

leftcenterrightdel
Đại diện các bộ, ngành Trung ương tại Hội nghị về tuyên truyền, phổ biến và tập huấn công tác thanh tra chuyên ngành TT&TT năm 2023. Ảnh: Stttt.binhthuan.gov.vn 

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lí nhà nước về báo chí

Để nâng cao hiệu quả công tác định hướng, quản lí của cơ quan chủ quản báo chí và đảm hoạt động của cơ quan báo chí tuân thủ đúng quy định của pháp luật, Thanh tra Bộ TT&TT kiến nghị với cơ quan chỉ đạo báo chí, cơ quan quản lí nhà nước về báo chí tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp.

Theo đó, cần đổi mới cách thức, phương thức giám sát, đánh giá để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng “báo hoá” tạp chí, “báo hoá” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí; đẩy mạnh chuyển đổi số, định lượng mức độ thông tin phù hợp tôn chỉ, mục đích, mức độ khai thác lại, sao chép lại thông tin của cơ quan báo chí; xử lí nghiêm minh và công khai rộng rãi, kịp thời các hành vi vi phạm tới toàn xã hội.

Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các Hội, Viện chủ quản và các tạp chí có mâu thuẫn nội bộ, buông lỏng quản lí, có nhiều đơn thư khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, cơ quan chủ quản buông lỏng quản lí hoặc bị cơ quan báo chí chi phối ngược trở lại, đơn vị có nhiều phản ánh về dấu hiệu sai phạm trong hoạt động, để xảy ra các vi phạm đã bị xử lí hành chính, có phóng viên, cộng tác viên bị xử lí hình sự, qua đó xem xét nếu vi phạm nặng hoặc không còn đủ các điều kiện đảm bảo hoạt động để yêu cầu tạm ngừng hoặc ngừng hoạt động.

Tiếp đó, cần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, áp dụng đồng bộ các biện pháp trong xử lí vi phạm báo chí cả về mặt Đảng và chính quyền. Tập trung kiểm tra, xử lí đối với người đứng đầu cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí trong việc chỉ đạo, định hướng, quản lí hoạt động cơ quan báo chí trực thuộc theo Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư, nhất là đối với cơ quan báo chí để xảy ra vi phạm nghiêm trọng, vi phạm kéo dài nhưng không có chuyển biến.

Đi liền với đó, cần kiện toàn, thúc đẩy hoạt động của Tổ công tác hỗ trợ cho các Sở TT&TT nhằm tối ưu hoá nguồn lực của lực lượng Thanh tra TT&TT, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lí nhà nước và xử lí vi phạm đồng bộ trên phạm vi cả nước.

Thanh tra Bộ TT&TT cũng kiến nghị cơ quan nhà nước có chính sách ưu đãi thuế thu nhập cho các loại hình báo chí, thực hiện cơ chế đặt hàng và cơ chế quản lí giá phù hợp để các cơ quan báo chí thuận lợi trong việc nhận đặt hàng thông tin, tuyên truyền từ các cơ quan, đơn vị khác không phải là cơ quan chủ quản, qua đó tháo gỡ khó khăn về tài chính cho các cơ quan báo chí.

Do sự phát triển vượt bậc, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại đã dẫn đến những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn trong lĩnh vực báo chí, cần phải hoàn thiện quy định pháp luật để điều chỉnh, quản lí kịp thời, phù hợp, một số quy định pháp luật hiện hành còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa có đầy đủ chế tài xử lí đối với một số vấn đề phát sinh trên thực tế như: tỉ lệ thông tin tích cực, tiêu cực đăng tải trên báo, tạp chí; quy định cụ thể về yêu cầu đối với tin, bài chuyên sâu, chuyên ngành; quyền và nghĩa vụ của phóng viên (khi đội ngũ này chưa đủ điều kiện để được cấp thẻ nhà báo, nhất là cộng tác viên cơ quan báo chí); quy định về việc gỡ các tin, bài đã đăng tải, phát sóng; vấn đề “báo hoá” tạp chí, “báo hoá” trang thông tin điện tử, mạng xã hội, “tư nhân hoá” báo chí; chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ quan chủ quản trong trường hợp không thực hiện đúng trách nhiệm đối với cơ quan báo chí;...

Theo đại diện Thanh tra Bộ TT&TT, đối với các cơ quan chủ quản cần thực hiện đầy đủ quyền hạn và nhiệm vụ quy định tại Điều 15 Luật Báo chí, theo đó tập trung chỉ đạo, ban hành văn bản phê duyệt kế hoạch, định hướng hoạt động hằng năm của cơ quan báo chí; xây dựng quy trình, quy chế để làm căn cứ chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỉ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản hồi thông tin đối với cơ quan báo chí; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch nguồn cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí vừa đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Ban Bí thư, quy định của Luật Báo chí, vừa phù hợp với nhu cầu đặc thù của cơ quan chủ quản; tổ chức thực hiện giám sát thường xuyên hoạt động của cơ quan báo chí và xử lí nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm.

Đối với cơ quan báo chí cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo, định hướng, kỉ luật thông tin và các văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền; nâng cao chất lượng tuyển chọn nhân sự, phóng viên, nhất là những người giữ trọng trách quan trọng trong cơ quan báo chí; xây dựng quy chế, quy trình quản lí chặt chẽ nhân sự, nhất là việc cấp và sử dụng giấy giới thiệu nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc lợi dụng danh nghĩa làm việc tại cơ quan báo chí để trục lợi hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật; bố trí nhân sự có đủ điều kiện, trình độ chuyên môn tham gia công tác biên tập nội dung tin, bài; xây dựng, triển khai các quy trình, quy chế tác nghiệp, biên tập, kiểm duyệt tin, bài nhằm quản lí chặt chẽ, tuân thủ nghiêm chỉ đạo, định hướng, kỉ luật thông tin trên báo chí, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, các quy định tại giấy phép và pháp luật về báo chí, bảo đảm khách quan, chính xác khi đưa tin, tăng cường chất lượng nội dung và các tin, bài có tính chất chuyên ngành, chuyên sâu.

 

Tràng An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra