    |
 |
Toàn cảnh Hội nghị thẩm định, nghiệm thu tài liệu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Thanh tra viên Cao cấp |
Báo cáo tại hội đồng thẩm định TTVCC, ông Vũ Văn Chiến, Hiệu trưởng Trường Cán bộ thanh tra cho biết, ngay từ đầu năm 2020, dưới chỉ đạo của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh, Trường Cán bộ Thanh tra đã triển khai một số nội dung như: Rà soát lại chương trình đào tạo, đánh giá những ưu điểm và hạn chế của chương trình hiện có làm cơ sở cho định hướng sửa đổi, bổ sung; Khảo sát, nghiên cứu nhu cầu nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của thanh tra các bộ, ngành, địa phương để xác định lại những đơn vị kiến thức cần thiết nhưng chưa được đào tạo, bồi dưỡng.
Đồng thời, lấy ý kiến từ các học viên tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Trường, nắm bắt, tìm hiểu nguyện vọng, nhu cầu của người học làm căn cứ thực tiễn cho việc chỉnh sửa; Thành lập Ban biên soạn và Tổ giúp việc, bao gồm cán bộ, giảng viên của Trường và Vụ Tổ chức cán bộ để tiến hành xây dựng đề cương sơ bộ cho khung chương trình; Lấy ý kiến chuyên gia là các cán bộ cấp vụ có nhiều kinh nghiệm và trực tiếp tham gia giảng dạy tại Trường, các đồng chí nguyên là Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ.
Cùng với đó, tổ chức 02 cuộc hội thảo với đại diện các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo Thanh tra các bộ ngành, Thanh tra các tỉnh phía Bắc tại Hà Nội và với Thanh tra các tỉnh, thành phố phía Nam tại Nha Trang, Khánh Hòa. Tại 02 cuộc hội thảo, đã có 27 lượt ý kiến tham luận, tham gia góp ý vào đề cương khung chương trình.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý, Ban Biên soạn và các khoa của Trường đã xây dựng đề cương chi tiết của từng chuyên đề cho 03 hệ TTV, TTVC và TTVCC. Tổng Thanh tra Chính phủ đã ký Quyết định số 266/QĐ-TTCP ngày 05/4/2021 về việc phê duyệt khung chương trình đào tạo nghiệp vụ thanh tra.
Bên cạnh đó, để thực hiện biên soạn tài liệu TTVCC, Trường Cán bộ thanh tra đã ký hợp đồng với các đồng chí lãnh đạo cấp vụ Thanh tra Chính phủ và nguyên lãnh đạo Thanh tra Chính phủ.
Với tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên, đến nay các chuyên đề của chương trình TTVCC đã hoàn thiện với 09 chuyên đề tập trung vào việc trang bị tư duy mang tính chiến lược, phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước và 04 chuyên đề báo cáo kinh nghiệm thực tế về các lĩnh vực hợp tác quốc tế, thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng, chống tham nhũng và một số lĩnh vực chuyên sâu khác, ông Vũ Văn Chiến nhấn mạnh.
Được biết, sau khi được chỉnh sửa, bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ sẽ có kết cấu như sau: Đối với chương trình TTVCC, tập trung vào việc trang bị tư duy mang tính chiến lược, phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước như : Tư duy chiến lược về công tác thanh tra của thanh tra viên cao cấp; Chỉ đạo, điều hành việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của cơ quan thanh tra; Chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng của cơ quan thanh tra nhà nước; Kỹ năng lãnh đạo, quản lý trong công tác thanh tra; Quản lý, phát triển đội ngũ công chức thanh tra đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; Chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra diện rộng; Tổng kết thực tiến và xây dựng thể chế trong công tác thanh tra...
    |
 |
Phó Tổng TTCP Trần Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng thẩm định phát biểu tại hội đồng |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng TTCP Trần Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng thẩm định, nghiệm thu tài liệu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ TTVCC cho biết, trong suốt thời gian qua, việc đào tạo bồi dưỡng công chức, viên chức của ngành Thanh tra được thực hiện theo chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ được Tổng TTCP phê duyệt và triển khai giảng dạy từ năm 2009 đến nay. Qua hơn 10 năm vừa tổ chức thực hiện vừa cập nhật, chỉnh sửa, Chương trình TTVCC của Trường đã bộc lộ một số những tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng được những đòi hỏi mà thực tế công tác đang đặt ra.
Với mục tiêu xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ngành Thanh tra chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính và góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động nhà nước của ngành Thanh tra đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế, việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo bồi dưỡng, kỹ năng nghiệp vụ là một trong những yếu tố then chốt để xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ công chức, trong đó chất lượng hệ thống giáo trình, tài liệu là tiêu chí cơ bản đóng góp vai trò rất quan trọng, quyết định về chất lượng đào tạo trong thời gian tới - Phó Tổng Thanh tra Trần Văn Minh nhấn mạnh.
    |
 |
Phó tổng TTCP Lê Sỹ Bảy đóng góp ý kiến tại hội đồng |
Phát biểu tại Hội đồng thẩm định Phó tổng TTCP Lê Sỹ Bảy cho rằng, đây là chương trình có sự đổi mới, xây dựng tư duy chiến lược về công tác thanh tra của TTVCC; Chỉ đạo, điều hành việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của cơ quan thanh tra; Chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng của cơ quan thanh tra nhà nước; Kỹ năng lãnh đạo, quản lý trong công tác thanh tra. Cùng với đó, chương trình cũng cần củng cố và cập nhật cơ sở pháp luật, cơ sở chính trị, nghị quyết Trung ương và những thông tin mới, nóng...
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định nghiệm thu tài liệu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ TTVCC đã ghi nhận sự tâm huyết xây dựng bộ tài liệu của Ban biên soạn về qui trình biên soạn, cấu trúc, nội dung, thời lượng, tính logic và tính thực tiễn trong khung chương trình đã được phê duyệt. Trên cở sở đó, xây dựng nội dung chi tiết theo từng chuyên đề bám sát khung chương trình. Đồng thời, các thành viên Hội đồng thẩm định cũng đánh giá tổng thể cho thấy bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ TTVCC có chất lượng cao, bố cục các chuyên đề được thực hiện công phu, nội dung chi tiết, có tính thực tế trong công tác thanh tra được đưa vào trong tài liệu phục vụ công tác giảng dạy.
    |
 |
Các thành viên tham dự tại hội đồng thẩm định |
Hội đồng thẩm định, nghiệm thu tài liệu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ TTVCC cũng đưa ra một số ý kiến xác đáng từ góc độ thực tế, nhằm bổ sung, hoàn thiện khung chương trình đáp ứng mục tiêu được nêu trong Chiến lược phát triển ngành Thanh tra dến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
Kết thúc buổi làm việc, trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các tác giả cũng như thành viên hội đồng. Đồng thời, hội đồng thẩm định đề nghị Ban biên soạn chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ TTVCC tiếp thu các ý kiến đóng góp của từng thành viên hội đồng để có những điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp. Cũng tại buổi làm việc này, hội đồng thẩm định đã bỏ phiếu 100% thống nhất thông qua khung chương trình./.