Quảng Ngãi:

Nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác đầu tư xây dựng tại huyện Tư Nghĩa

Thứ ba, 12/03/2024 14:38
(ThanhtraVietNam) - Tại Kết luận Thanh tra về nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi nợ tạm ứng và quyết toán công trình xây dựng tại UBND huyện Tư Nghĩa giai đoạn 2020-3/2023. Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ ra loạt tồn tại hạn chế trong việc tạm ứng và thu hồi nợ tạm ứng; Việc thanh, quyết toán dự án hoàn thành; Tiến độ thi công; Công tác bảo hành, bảo trì…

Theo Kết luận 08/KL-TTT của Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi, về việc phân bổ vốn và xử lý nợ đọng vốn xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trong quá trình xây dựng và phân bổ kế hoạch vốn, UBND huyện Tư Nghĩa trình HĐND huyện phê duyệt Kế hoạch vốn đầu tư hàng năm chưa ưu tiên bố trí đủ kế hoạch vốn Xây dựng cơ bản cho 227 công trình hoàn thành với số vốn phải bố trí là 22,785 tỷ đồng, trong đó UBND huyện 7,172 tỷ đồng và UBND cấp xã 15,613 tỷ đồng (năm 2020 là 8,727 tỷ đồng, năm 2021 là 4,068 tỷ đồng, năm 2022 là 0,911 tỷ đồng, năm 2023 là 9,079 tỷ đồng) là thực hiện chưa đảm bảo theo quy định tại  điểm a khoản 4 Điều 51 Luật Đầu tư công 2019.

Mặc dù UBND huyện chưa ưu tiên xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản số tiền 2,027 tỷ đồng đối với 03 công trình nhưng UBND huyện xây dựng kế hoạch vốn năm 202319 và phân bổ, quyết định giao vốn để khởi công mới đối với 07 công trình/10,267 tỷ đồng là thực hiện chưa đảm bảo nguyên tắc ưu tiên bố trí vốn được quy định tại điểm a, đ khoản 4 Điều 51 Luật Đầu tư công 2019.

UBND các xã chưa xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản số tiền 13,451 tỷ đồng đối với 167 công trình thuộc ngân sách UBND xã là chưa đúng chỉ đạo theo Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn đầu tư công và theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 51 Luật Đầu tư công 2019. UBND các xã chưa xây dựng lộ trình trả nợ theo Công văn số 2208/UBND-KTTH ngày 12/5/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh

leftcenterrightdel
Loạt tồn tại hạn chế trong xây dựng cơ bản tại huyện Tư Nghĩa 

Về việc tạm ứng và thu hồi nợ tạm ứng, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện cho nhà thầu thi công tạm ứng vốn 06 công trình không có kế hoạch giải phóng mặt bằng là thực hiện chưa đúng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/012016 của Bộ Tài chính. - Có 03 công trình chưa thu hồi tạm ứng quá hạn với tổng số tiền là 5,149 tỷ đồng là chưa thực hiện đúng theo khoản 5 Điều 1 Thông tư số 52/2018/TT-BTC ngày 24/5/2018 của Bộ Tài chính, điểm d khoản 5 Điều 10 Nghị định 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ và theo Hợp đồng đã ký kết.

Về việc thanh, quyết toán dự án hoàn thành, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện trong quá trình thẩm định dự toán chưa chính xác làm tăng giá trị dự toán được duyệt của 17 công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện làm Chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư và UBND các xã, Ban quản lý thực hiện Chương trình MTQG các xã làm chủ đầu tư.

Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện và UBND các xã trong quá trình nghiệm thu không kiểm tra tính toán khối lượng theo đúng thực tế thi công, theo hồ sơ thiết kế được duyệt và bản vẽ hoàn công mà nghiệm thu theo khối lượng dự toán tính tăng dẫn đến thanh toán tăng giá trị của 17/18 công trình là trên 501 triệu đồng.

Các Chủ đầu tư chậm lập báo cáo quyết toán 52 dự án từ 01 đến 36 tháng theo quy định tại Điều 21 Thông tư số 10/2020/TT-BTC ngày 20/02/2020 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành sử dụng nguồn vốn nhà nước.

UBND các xã thanh quyết toán vượt cơ cấu nguồn vốn 34 công trình với số tiền 2,306 tỷ đồng là thực hiện không đúng nguyên tắc quản lý vốn đầu tư công theo từng nguồn vốn quy định tại khoản 4 Điều 12 Luật Đầu tư công năm 2014 (nay là khoản 4 Điều 12 Luật Đầu tư công năm 2019), khoản 4 và khoản 9 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.

Về tiến độ thi công, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện chưa kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thi công xây lắp đẩy nhanh tiến độ dẫn đến có 30 công trình thi công chậm tiến độ so với hợp đồng từ 02 tháng đến 44 tháng.

Về công tác bảo hành, bảo trì, UBND xã Nghĩa Trung chưa kịp thời chỉ đạo các đơn vị thi công chưa lập Báo cáo hoàn thành công tác bảo hành của 02 công trình là thực hiện chưa đúng quy định tại điểm a, khoản 5 Điều 29 nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ.

Nói về những nguyên nhân, Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi nhận định có nhiều nguyên nhân dẫn đến sai phạm trong đó do các nguyên nhân chính như nguồn lực ngân sách của huyện còn hạn chế, thu ngân sách chưa đảm bảo tự chủ cho nhu cầu đầu tư công phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, dẫn đến khó khăn trong sắp xếp, bố trí dành nguồn lực cho các dự án đầu tư công thuộc phạm vi thẩm quyền và lúng túng, bị động trong điều hành thực hiện dẫn đến sai sót, vi phạm.

Cùng với đó do năng lực chuyên môn nghiệp vụ của Chủ tịch UBND các xã, thị trấn; Thủ trưởng các phòng: Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện còn hạn chế, dẫn đến việc tham mưu đôi lúc chưa kịp thời, còn để xảy ra sai sót trong lĩnh vực đầu tư công và lĩnh vực xây dựng cơ bản theo đúng quy định của pháp luật.

Về trách nhiệm của những tồn tại, hạn chế, Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi chỉ rõ “Trách nhiệm của UBND huyện, trong đó Chủ tịch UBND huyện là người đứng đầu về các nội dung sai sót trong quá trình lập, tham mưu HĐND huyện phân bổ, quyết định giao kế hoạch vốn đầu tư công, tạm ứng vốn, quyết toán vốn dự án hoàn thành và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản”.

Cùng với đó, Phòng Tài chính - Kế hoạch chịu trách nhiệm trong công tác tham mưu để xảy ra sai sót trong công tác lập kế hoạch đầu tư công, phân bổ, bố trí kế hoạch vốn để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện chịu trách nhiệm trong công tác tham mưu thực hiện các chức năng nhiệm vụ trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ dự toán, cho tạm ứng, tổ chức thi công, nghiệm thu, thanh toán tăng khối lượng các công trình qua thanh tra, chậm lập báo cáo quyết toán công trình.

Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện chịu trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong quá trình thẩm định tăng khối lượng 11 công trình dẫn đến làm tăng giá trị dự toán được duyệt số tiền hơn 289 triệu đồng;

Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện chịu trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong quá trình thẩm định tăng khối lượng 06 công trình dẫn đến làm tăng giá trị dự toán được duyệt số tiền trên 211 triệu đồng;

UBND các xã chịu trách nhiệm trong việc chậm lập báo cáo quyết toán; để xảy ra nợ đọng 13,451 tỷ đồng của 167 công trình thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới do UBND xã làm Chủ đầu tư; thanh, quyết toán vượt cơ cấu nguồn vốn 34 công trình với số tiền 2,306 tỷ đồng; việc tổ chức thi công, nghiệm thu, thanh toán tăng khối lượng các công trình qua thanh tra.

An Khang

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra