Những rủi ro tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến hiệu quả thanh tra.

Thứ sáu, 30/08/2024 15:41
(ThanhtraVietNam) - Trong hoạt động thanh tra, quyền của các cơ quan, tổ chức, cá nhân giữ vai trò trọng yếu, nhằm đảm bảo việc thực hiện mục đích của mỗi cuộc thanh tra. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các quyền này không chỉ đơn thuần là áp dụng pháp luật mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể ảnh hưởng đến hiệu quả thanh tra.

Quyền ra quyết định thanh tra

Quyền ra quyết định thanh tra là quyền cơ bản trong hoạt động thanh tra, tạo nền tảng cho các quyền khác của người tiến hành thanh tra và đặt ra các nghĩa vụ pháp lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra. Theo quy định của Luật Thanh tra 2022, quyền ra quyết định thanh tra thuộc về thủ trưởng cơ quan thanh tra và thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Quyết định thanh tra được đưa ra dựa trên các căn cứ như kế hoạch thanh tra, yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, dấu hiệu vi phạm pháp luật, hoặc yêu cầu giải quyết khiếu nại, tố cáo.

TS. Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng, việc xây dựng kế hoạch thanh tra là cơ sở quan trọng để ra quyết định thanh tra. Tuy nhiên, nếu không có cơ chế kiểm soát hiệu quả, việc xây dựng kế hoạch này có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro trong hoạt động thanh tra, ngay từ khâu lựa chọn cơ quan, tổ chức hay nội dung thanh tra. Ở góc độ lý thuyết, có thể thấy ngay ở đây tiềm ẩn yếu tố rủi ro cho quản lý, thậm chí có dấu hiệu vi phạm, có thể tác động để đưa ra khỏi kế hoạch thanh tra dẫn đến các nội dung đó không được tiến hành thanh tra kịp thời để phát hiện các vi phạm, các bất cập của cơ chế, chính sách, kịp thời phục vụ các yêu cầu quản lý nhà nước.

Theo TS. Trần Văn Long, cần có cơ chế để bảo đảm việc ra quyết định thanh tra trong mỗi trường hợp là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát hiện ra những hạn chế, bất cập trong cơ chê' quản lý, chính sách, pháp luật... bảo đảm đáp ứng mục đích của hoạt động thanh tra, tránh các rủi ro khi lựa chọn các nội dung thanh tra không phù hợp, không cần thiết.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa (ST)

Quyền trong quá trình thanh tra

Trong quá trình thanh tra, người tiến hành thanh tra được trao nhiều quyền quan trọng, bao gồm yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu; kiểm kê tài sản; giám định; tạm giữ tài sản, giấy phép trong trường hợp cần thiết. Các quyền trong hoạt đông thanh tra được quy định từ Điều 80 đen Điều 91 của Luật Thanh tra. Những quyền này là cơ sở để đoàn thanh tra xem xét, đánh giá và đưa ra kết luận về các nội dung thanh tra. Tuy nhiên, TS. Trần Văn Long cảnh báo rằng, việc không có quy định cụ thể và cơ chế giám sát chặt chẽ có thể dẫn đến nguy cơ lạm quyền trong quá trình thực hiện các quyền này.

Chẳng hạn, việc yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu vượt quá phạm vi nội dung thanh tra hoặc tạm giữ tài sản trong những trường hợp không thực sự cần thiết có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của đối tượng thanh tra, gây phiền hà và thiệt hại không đáng có. Ngoài ra, nếu quyền tạm giữ tài sản hoặc giấy phép được thực hiện mà không có cơ sở pháp lý vững chắc, không chỉ làm giảm lòng tin của người dân và doanh nghiệp vào cơ quan thanh tra mà còn có thể dẫn đến các vụ kiện tụng, tranh chấp pháp lý kéo dài, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan thanh tra.

Để đảm bảo quyền này được thực hiện đúng đắn, cần có các hướng dẫn cụ thể về cách tiếp cận, các trường hợp cần thực hiện, và những việc phải làm của các chủ thể có liên quan. Việc ban hành các quy định chi tiết về trình tự, thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu; kiểm kê và tạm giữ tài sản, giấy phép là cần thiết để tránh tình trạng lạm quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng thanh tra.

Quyền ra kết luận thanh tra

Quyền ra kết luận thanh tra là một quyền riêng biệt và quan trọng của người ra quyết định thanh tra. Trong cơ chế thanh tra, người ra quyết định thanh vừa “đóng vai” cơ quan điều tra, vừa “đóng vai” công tố và “đóng vai” cả tòa án trong một cuộc thanh tra, từ khi ra quyết định thanh tra, tiến hành thanh tra và ban hành kết luận thanh tra. Việc ban hành kết luận thanh tra là kết quả của cả quá trình hoạt động của đoàn thanh tra, và người ra quyết định thanh tra chịu trách nhiệm chính về tính chính xác, khách quan, toàn diện của kết luận và kiến nghị.

TS. Trần Văn Long nhấn mạnh rằng, tính chủ quan của người ra kết luận có thể dẫn đến những rủi ro về tính khách quan và toàn diện trong việc đánh giá thông tin, tài liệu. Ngoài ra, việc thiếu cơ chế kiểm soát chặt chẽ cũng có thể dẫn đến các vấn đề tiêu cực như tham nhũng hoặc thiếu minh bạch trong quá trình ra kết luận thanh tra.

Để giảm thiểu rủi ro trong quá trình thực hiện quyền thanh tra, cần có các giải pháp cụ thể như xây dựng tiêu chí rõ ràng cho việc ra quyết định thanh tra, đảm bảo tính cần thiết và hợp lý của các nội dung thanh tra. Ngoài ra, việc giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện quyền thanh tra và ra kết luận cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo tính công bằng, khách quan, và minh bạch trong hoạt động thanh tra.

 

Dương Nguyễn

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra