Thanh tra Chính phủ:

Phương hướng, nhiệm vụ công tác thanh tra cần đổi mới, nâng cao, tăng cường và đẩy mạnh trong năm 2024

Thứ ba, 02/01/2024 08:29
(ThanhtraVietNam) - Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2023, Thanh tra Chính phủ đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Trong công tác thanh tra, việc tổ chức thực hiện kế hoạch sẽ được đổi mới; công khai, minh bạch trong hoạt động được tăng cường; kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ được nâng cao; giám sát, thẩm định, xử lý sau thanh tra được đẩy mạnh…

Phát hiện sai phạm về kinh tế hơn 23 nghìn tỷ đồng

Báo cáo tổng kết công tác năm 2023, Thanh tra Chính phủ khẳng định, mặc dù khối lượng công việc nhiều, trong đó có nhiều nhiệm vụ, cuộc thanh tra giao đột xuất nhưng Ban cán sự đảng, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ theo đúng tinh thần các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác của ngành Thanh tra năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ghi nhận, những phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật; đề xuất, kiến nghị sửa đổi kịp thời các bất cập, thiếu sót trong hoạt động quản lý nhà nước; tham mưu xử lý tình hình khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của ngành Thanh tra trong đó có Thanh tra Chính phủ đã góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Trong công tác thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã tiếp tục tập trung thanh tra vào công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có một số cuộc thanh tra chuyên đề theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với các bộ ngành, đã tập trung vào thanh tra công tác quản lý tài sản công, nhà đất; công tác quản lý nhà nước về xăng dầu; quản lý thu, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; việc chuyển đổi mục đích sử dụng sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở; công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, thực hiện một số chương trình, đề án, dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng; việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng nguồn tiền từ trái phiếu doanh nghiệp…

Trong số 7.689 cuộc thanh tra hành chính ngành Thanh tra tiến hành trong năm 2023, Thanh tra Chính phủ thực hiện 41 cuộc, thanh tra các bộ ngành thực hiện 561 cuộc, còn lại là do thanh tra địa phương thực hiện.

Theo kết quả tổng hợp từ 6.137 cuộc thanh tra đã ban hành kết luận (của Thanh tra Chính phủ 15 cuộc, thanh tra bộ ngành 347 cuộc, thanh tra địa phương 5.775 cuộc), các cơ quan thanh tra đã phát hiện sai phạm về kinh tế số tiền hơn 27,5 nghìn tỷ đồng và 616 ha đất; đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 10,6 nghìn tỷ đồng, 166 ha đất; đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý 16,9 nghìn tỷ đồng, 451 ha đất; kiến nghị xử lý tổng số hơn 15 nghìn tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 148 vụ, 164 đối tượng.

Riêng Thanh tra Chính phủ phát hiện sai phạm về kinh tế 23.739 tỷ đồng, 106 ha đất; đã kiến nghị thu hồi 8.755 tỷ đồng; đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý 14.984 tỷ đồng, 106 ha đất; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 25 vụ.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành tổng kết hoạt động thanh tra công vụ; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ và tổ chức thanh tra chuyên đề trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức trong việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ còn ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 75/2022/QH15 của Quốc hội về nội dung chất vấn trong lĩnh vực thanh tra; Nghị quyết về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra và việc phát hiện, xử lý vi phạm qua thanh tra.

leftcenterrightdel
 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái (ảnh giữa) dự hội nghị triển khai công tác năm 2024 của ngành Thanh tra. Ảnh: Thái Minh

Sẽ thực hiện hiệu quả chỉ đạo liên quan đến hoạt động thanh tra

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, Thanh tra Chính phủ đã xác định sẽ nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao trong công tác thanh tra như sau:

Một là, bám sát Định hướng chương trình thanh tra được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành để triển khai công tác thanh tra; đổi mới trong tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động thanh tra; thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động thanh tra, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là, tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương dễ phát sinh nhiều vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, nhiều đơn khiếu nại, tố cáo và dư luận xã hội quan tâm.

Ba là, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ trong hoạt động thanh tra bằng việc tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết của Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ về lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra; thực hiện nghiêm Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ.

Bốn là, đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra, tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng và đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật.

Năm là, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan nội chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra.

Sáu là, tổ chức triển khai thực hiện Đề án 153 “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố” ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra